Chỉ thị nêu rõ, để chủ động trong công tác hộ đê, phòng chống lụt, bão, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện việc tổ chức tổng kết, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn; rà soát, kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương các cấp; bổ sung phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương chuẩn bị, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, các khu vực được bảo vệ trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp mưa, lũ cực đoan vượt tần suất thiết kế… Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình trước mùa mưa lũ.
Đối với những sự cố công trình đã xảy ra trong các mùa mưa, lũ trước cần đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực để hoàn thành việc xử lý; lập phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa, lũ năm 2024; đảm bảo chất lượng, an toàn chống lũ, bão và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão; tuyệt đối không cắt xẻ đê và không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ. Đối với hệ thống đê điều, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, bão; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra.
Đồng thời, các địa phương cần bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và tổng hợp, báo cáo kịp thời khi xảy ra sự cố đê điều về Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai. Lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ, lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Các Sở NN&PTNT đề nghị cơ quan liên quan tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn nhằm đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo vận hành công trình; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi…