(CTTĐTBP) - Theo Kế hoạch 15/KH-UBND ngày 17/01/2022 của UBND tỉnh về cấp nước sinh hoạt nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, hiện nay 98% người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh. Phấn đấu đến năm 2025, 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 40 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn để cấp nước cho người dân, trong đó có 7 công trình hoạt động bền vững, 4 công trình tương đối bền vững, 8 công trình không hoạt động, 1 công trình vừa bàn giao đưa vào sử dụng nên chưa thực hiện đánh giá (công trình cấp nước xã An Khương, huyện Hớn Quản).
Về các công trình cấp nước nhỏ lẻ, tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 199.398 công trình cấp nước nhỏ lẻ (giếng đào, giếng khoan...) cấp nước hợp vệ sinh cho 187.434 hộ dân. Do dân cư nông thôn sống phân tán nên việc đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung để cấp nước sạch cho người dân khó thực hiện, vì suất đầu tư cao. Cho nên, giải pháp sử dụng công trình cấp nước sinh hoạt nhỏ lẻ kết hợp với công trình, thiết bị xử lý nước quy mô hộ gia đình để cấp nước sạch cho người dân nông thôn được xem là giải pháp phù hợp cả về chi phí đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành công trình. Phần lớn các công trình cấp nước nhỏ lẻ được người dân tự bỏ kinh phí hoặc vay từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng, lắp đặt cung cấp nước trong sinh hoạt. Với quy trình quản lý, vận hành đơn giản, phù hợp với mọi đối tượng nên công trình cấp nước nhỏ lẻ chiếm phần lớn nguồn nước cung cấp cho người dân nông thôn.
Trên địa bàn tỉnh hiện đang áp dụng 2 mô hình quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Đó là mô hình do UBND xã quản lý, vận hành (sau khi xây dựng hoàn thành, công trình cấp nước được bàn giao cho UBND cấp xã quản lý, sử dụng và khai thác) và mô hình do Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, vận hành. Khác với mô hình quản lý của UBND cấp xã, mô hình do Công ty Dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, vận hành theo hình thức doanh nghiệp. Mỗi công trình được bố trí từ một cán bộ quản lý, vận hành được đào tạo đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ để quản lý, vận hành và khai thác công trình. Hiện nay, Công ty Dịch vụ thủy lợi Bình Phước đang quản lý, vận hành 15 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Hàng năm, công ty quản lý tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng nước, tổ chức kiểm tra đánh giá các hạng mục của công trình để có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp nhằm duy trì cấp nước liên tục cho người dân, từ đó phát huy hiệu quả công trình./.