Nguồn tổng hợp: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), hạt tiêu là mặt hàng có giá biến động mạnh nhất trong tháng 3/2021, tăng tới 34,6% (18.500 đồng/kg) so với cuối tháng 2/2021 và tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt 72.000 đồng/kg. Giá hạt tiêu tăng nhanh bất thường được nhận định là do các yếu tố như: Sản lượng của các nước sản xuất hạt tiêu trên thế giới đều giảm, trong đó có Việt Nam. Mùa vụ thu hoạch hạt tiêu vụ năm 2021 chỉ mới đạt bình quân cả nước trên dưới 40% và khả năng đến cuối tháng 4/2021 mùa vụ mới cơ bản thu hoạch xong. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ và chế biến hạt tiêu trên các thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Á đều có chiều hướng tăng nhưng mức tăng chưa cao tương ứng so với giá nguyên liệu tại thị trường Việt Nam hiện tại. Ngoài các yếu tố khách quan trên thì có yếu tố bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa, gom và trữ hàng. Vì vậy, các nhà đầu tư cần tính toán thị trường một cách hợp lý. Đặc biệt, đối với người nông dân, cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm, hiệu quả, không vì giá tăng cao mà thu hoạch hái xanh, vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống.
Trong tháng 3/2021, giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm 200 - 400 đồng/kg so với tháng trước. Tại An Giang, tính đến ngày 27/3/2021, giá lúa tươi IR 504 dao động ở mức 6.600 - 6.700 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với cuối tháng 2/2021; OM 5451 ở mức 6.600 - 6.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; OM 9577, OM 9582 ở mức 6.650 đồng/kg, giảm 250 đồng/kg; OM 6976 giá 6.600 - 6.700 đồng/kg, giảm 350 đồng/kg; Đài thơm 8 dao động ở mức 6.700 - 6.900 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; OM 18 ở mức 6.600 - 6.800 đồng/kg; lúa Nhật ở mức 7.500 - 7.600 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 6.600 đồng/kg; nếp vỏ tươi 5.600 - 5.900 đồng/kg.
Tương tự, giá gạo cũng giảm 300 - 600 đồng/kg so với cuối tháng 2/2021, dao động ở mức 9.600 - 9.700 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu IR 504; gạo TP IR 504 đạt 11.000 đồng/kg; cám vàng 6.800 đồng/kg và tấm 1 IR 504 đạt 9.200 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam trên thị trường quốc tế đã tăng lên mức cao nhất 9 năm qua khi các đơn đặt hàng mới tăng lên, đạt 515 - 520 USD/tấn, tăng 10 - 20 USD/tấn so với cuối tháng 2/2021. Tổng Công ty lương thực Miền Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 50.000 tấn gạo trắng 5% tấm sang Bangladesh.
Giá cà phê trong tháng 3/2021 không có nhiều biến động trong bối cảnh giao dịch thấp do nhu cầu yếu. Tính đến ngày 27/3/2021, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đạt cao nhất là 32.900 đồng/kg. Giá thấp khiến nông dân giữ hàng lại chờ giá tăng mới bán ra.
Về mặt hàng thủy sản, tại Đồng Tháp, giá cá tra thịt trắng loại 1 tăng 1.500 đồng/kg so với cuối tháng 2/2021, lên mức 21.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá tôm càng xanh (loại 15 - 25 con/kg) giảm 40.000 đồng/kg, xuống còn 220.000 đồng/kg. Mặc dù xuất khẩu cá tra đã phục hồi từ cuối năm 2020 nhưng ngành cá tra lại rơi vào trạng thái thiếu nguồn cung. Nguồn cung nguyên liệu được dự báo chưa cung ứng kịp thời cho yêu cầu xuất khẩu cá tra trong năm 2021, nhưng hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đều còn một nguồn dự trữ nhỏ để đáp ứng các đơn hàng. Tuy nhiên, việc nguồn cung nguyên liệu thấp sẽ khiến giá cá tra tăng.
Trong tháng 3/2021, giá thu mua cao su của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai tăng 200 đồng/kg so với cuối tháng 2/2021, đạt 12.100 đồng/kg đối với mủ chén dây khô, 9.900 đồng/kg đối với mủ đông khô. Riêng giá mủ nước tại vườn tăng 700 đồng/kg, đạt 37.900 đồng/kg. Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu cao su thế giới tăng trở lại. Trong khi đó, nguồn cung tại thời điểm hiện tại lại giảm do yếu tố mùa vụ./.