(CTTĐTBP) - Ngày 18/6, Đồng Xoài ban hành Đề án “Xây dựng trường học thông minh (THTM) gắn với dạy học song ngữ trên địa bàn thành phố Đồng Xoài giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến (đến hết năm 2025) trên 402 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp, mua sắm thiết bị trên 390,8 tỷ đồng; chi phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên 11,1 tỷ đồng; còn lại là chi phí khảo sát thực trạng, xây dựng đề án.
Mục tiêu đề án hướng đến là nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của ngành giáo dục thành phố Đồng Xoài, đảm bảo đến năm 2030 tin học hóa 100% công tác quản lý nghiệp vụ. Đến năm 2025, 100% trường được trang bị thiết chế THTM và có lớp dạy học song ngữ Anh - Việt; phấn đấu có ít nhất 01 trường đạt chuẩn quốc tế. Đến năm 2030, tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển các tiêu chí xây dựng THTM trong các nhà trường; 100% các nhà trường đều có lớp dạy học song ngữ Việt - Anh các môn Toán và Khoa học tự nhiên ở tất cả các khối.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả, đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, cha mẹ học sinh và các tầng lớp nhân dân về tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng THTM gắn với dạy học song ngữ trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế, chính sách, văn bản hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và dạy học song ngữ. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên có chất lượng cao. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT; ứng dụng các nền tảng công nghệ, phần mềm tin học trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học, chương trình giáo dục và đào tạo trực tuyến…
Trước mắt, đề án sẽ tập trung đầu tư trang thiết bị tối thiểu ứng dụng CNTT ở các trường học trên địa bàn và xây dựng thí điểm 4 trường học hoàn thiện các tiêu chí của thông minh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, góp phần định hướng phát triển Hệ sinh thái giáo dục thông minh, các tiêu chí cơ bản và lộ trình để triển khai thực hiện một cách bền vững cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Theo đề án này, THTM, lớp học thông minh có sự hội tụ của các yếu tố: Sư phạm thông minh, học tập thông minh, môi trường giáo dục thông minh. Trong sự tương tác của các yếu tố đó, vai trò và phương thức hoạt động của giáo viên, học sinh, của lãnh đạo và quản lý nhà trường đã có sự thay đổi, khác biệt so với trường học truyền thống. Học sinh là trung tâm và được hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển học tập thông minh. Ứng dụng CNTT và truyền thông, các thiết bị CNTT sâu rộng, đều khắp trong các hoạt động của nhà trường làm tăng tương tác, mở rộng kết nối, nâng cao chất lượng dạy và học, tăng hiệu quả quản lý của nhà trường./.