Bình Phước chào đón tuổi 25

Thứ bảy - 01/01/2022 08:23 1638
(CTTĐTBP) - Tỉnh Bình Phước ngày nay đã trải qua nhiều giai đoạn chia tách, sáp nhập. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX (năm 1996) đã quyết định điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó tỉnh Sông Bé được tách thành 2 tỉnh là Bình Phước và Bình Dương. Ngày 1/1/2022, Bình Phước chào đón tuổi 25.
Thu ngân sách tăng 61 lần  

Những ngày đầu mới tách tỉnh, Bình Phước là tỉnh hết sức khó khăn. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm hơn 70%; các lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ quá nhỏ bé; cơ sở vật chất kỹ thuật hết sức khó khăn, nhất là về giao thông, điện, nước; thu ngân sách toàn tỉnh hơn 172 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người thấp nhất cả nước, chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm. 
 
Dong Xoai
Hiện Bình Phước có 11 đơn vị hành chính cấp huyện; 111 xã, phường, thị trấn; dân số toàn tỉnh gần 1 triệu người
 
Trải qua 25 năm xây dựng, phát triển và hội nhập với khát vọng vươn lên, tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện. Diện mạo và tiềm lực kinh tế của tỉnh có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. 

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội của tỉnh, số doanh nghiệp đăng ký mới giảm 6,65% so cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất hoặc giải thể tăng, nhưng tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn đạt khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 61 lần so với năm 1997. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay ước đạt hơn khoảng 70 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 26 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. 
 
Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện cho tỉnh đầu tư mạnh mẽ vào khu vực nông thôn, làm thay đổi diện mạo nông thôn và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đặc biệt là người dân ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế tỉnh Bình Phước sau 25 năm xây dựng và phát triển là thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Nếu như năm đầu mới tái lập tỉnh giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 75 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% GRDP của tỉnh (chủ yếu là chế biến và khai thác mỏ với 31 doanh nghiệp tư nhân) thì nay đã trở thành trụ cột chính của nền kinh tế địa phương. 

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước Nguyễn Đức Thành cho biết, Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 81,66%, trong đó có 7 khu đã lấp đầy 100%. Toàn tỉnh có 331 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 3.511 triệu USD; có 1.179 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký 104.956 tỷ đồng. Đến nay, Bình Phước có khoảng 9.525 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 166.170 tỷ đồng. 

Phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, Bình Phước chú trọng phát triển ngành chăn nuôi và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, đến nay Bình Phước đã chuyển sang chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị. Các cơ sở chăn nuôi lớn theo hình thức công nghiệp, hiện đại được hình thành và chiếm tỷ trọng cao; liên kết, khép kín từ chế biến thức ăn, sản xuất con giống đến chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ. 
 
anh 2
 Người dân khu vực nông thôn ở Bình Phước đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao
 
Một số công ty, tập đoàn lớn như: Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO; Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam; Công ty TNHH DE HEUS… đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực chăn nuôi tại tỉnh Bình Phước, tạo ra khối lượng sản phẩm cung cấp thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước châu Âu và Nhật Bản... góp phần đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên 20% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng

Những người trước đây đặt nền móng xây dựng tỉnh Bình Phước nay trở về thăm lại dễ dàng nhận thấy sự thay đổi mạnh mẽ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, trường, trạm… Trở lại những năm 1997-1998, Bình Phước có 103 tuyến đường với chiều dài hơn 1.200 km nhưng xuống cấp trầm trọng; đường liên huyện, liên xã hoàn toàn là đường đất, nắng bụi, mưa lầy. 

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước Nguyễn Tấn Hùng cho biết, với chủ trương phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là cơ sở, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế-xã hội, sau 25 năm tái lập, hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Phước đã có bước phát triển đột phá, từng bước hiện đại. 

Hiện, toàn tỉnh đã có hơn 2.850 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 8.900 km. Trong đó, các tuyến giao thông huyết mạch và các tuyến đường tỉnh đã nhựa hóa 100%, lưu thông thuận lợi, kết nối giữa Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và các nước Campuchia, Lào, Thái Lan qua cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư (huyện Lộc Ninh). Riêng giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Phước đã xây dựng được 6.900 km đường giao thông, trong đó đường bê tông nông thôn triển khai theo cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm" chiếm gần 60%. 

Nếu như trước khi tái lập tỉnh, chỉ có 17% hộ sử dụng điện thì nay có 264.310 trong số 266.575 hộ gia đình có sử dụng điện, đạt 99,15%. Hiện, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có nhiều nhà máy thủy điện, điện năng lượng tái tạo hoạt động; tổng sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2 tỷ KWh; tổng doanh thu ngành điện đạt khoảng 5 ngàn tỷ đồng

Quan tâm đến đời sống nhân dân

Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc miền đông Nam Bộ, có diện tích tự nhiên là 6.876,76 km2, dân số 997.766 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 193.860 khẩu, chiếm 20,14% dân số toàn tỉnh; 41 dân tộc sinh sống phân tán, đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tập trung ở những địa bàn vùng sâu, biên giới (15 xã biên giới, thuộc 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập). 
 
HINH 4 (1)
 Công nghiệp đang là trụ cột của nền kinh tế tỉnh Bình Phước
 
Bình Phước tiếp giáp với Tây Nguyên, là một trong những địa bàn mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Vì vậy, công tác triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo đã được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả.

Nhờ thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo và ưu tiên một phần nguồn ngân sách địa phương cùng với các nguồn vốn xã hội hóa và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, Bình Phước đã thực hiện tốt chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã và đang tích hợp các giải pháp để mang lại những điều tốt nhất cho người nghèo.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Thùy Trang cho biết, đến nay, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới. Tỉnh đặc biệt chú trọng công tác định canh, định cư, quy hoạch, sắp xếp, phân bổ một cách hợp lý dân cư, nguồn nhân lực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh./.

Tác giả bài viết: Nhật Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập887
  • Hôm nay61,192
  • Tháng hiện tại4,679,726
  • Tổng lượt truy cập411,421,580
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây