Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: Báo Bình Phước
Ngày 8/7, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ mười hai HĐND tỉnh khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 (diễn ra trong 2 ngày 8 - 9/7), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi đã báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tuy có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng, công tác phòng chống đại dịch Covid-19 bước đầu đã thành công, toàn tỉnh không có ca mắc bệnh Covid-19.
CHỦ ĐỘNG THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ “MỤC TIÊU KÉP”
Theo báo cáo, bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong những tháng đầu năm, tình hình trong nước và trong tỉnh có những biến động lớn do tác động của đại dịch bệnh Covid-19. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta và của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ và các hoạt động thương mại - dịch vụ, xuất nhập khẩu của tỉnh bị suy giảm, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh. Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản điều hành kinh tế - xã hội năm 2020 và chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh vừa duy trì, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, khai thông các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã rất tích cực, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành; đã chủ động chuẩn bị các khu cách ly y tế (169 giường, có thể nâng lên 423 giường), cách ly tập trung (khoảng 7.000 giường), đảm bảo chăm lo đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhu yếu phẩm... phục vụ tốt việc cách ly. Tổng số cách ly 2.098 trường hợp, đến nay tỉnh chưa có người bị nhiễm Covid-19.
Bình Phước đã làm tốt công tác thực hiện cách ly toàn xã hội và công tác kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Trong ảnh, đoàn thanh niên tặng quà các cán bộ, chiến sĩ tại tổ kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Đồn biên phòng Đắc Ơ
Bên cạnh đó, Bình Phước đã làm tốt công tác thực hiện cách ly toàn xã hội và công tác kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở và nội địa. Các phân xưởng, nhà máy sản xuất, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng diệt khuẩn theo quy định. Vận động hơn 3.000 cơ sở kinh doanh thuộc các đối tượng tạm dừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội, vận động hơn 300 cơ sở tôn giáo không tổ chức các buổi sinh hoạt đông người. Đa số các cơ sở kinh doanh, dịch vụ chấp hành tốt, không để xảy ra tình trạng tập trung đông người.
Các cấp, ngành đã làm tốt công tác truyền thông, thông tin công khai, minh bạch, kịp thời tới mọi người dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức và sự chủ động của nhân dân trong phòng chống dịch. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng cùng cấp tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh với nhiều hình thức phù hợp.
Ngày từ đầu năm, UBND tỉnh đã khai thông tháo gỡ những “điểm nghẽn” về đất đai, chỉ đạo xây dựng bảng giá đất mới, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối tỉnh Bình Phước; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhanh chóng triển khai Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 07/4/2020, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ. Song song đó, thành lập tổ phản ứng nhanh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh trình kỳ họp giữa năm của Hội đồng nhân dân tỉnh và đã khai trương Hệ thống dịch vụ công trên môi trường điện tử (dịp 19/5).
Chỉ số cải cách thủ tục hành chính đứng thứ 3 và chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 37 so với cả nước. Phương thức quản lý, điều hành các các hoạt động kinh tế - xã hội trong tỉnh có sự đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm, đổi mới phương thức dạy và học. Thông tin tuyên truyền kịp thời, hiệu quả về phòng chống dịch. An ninh, quốc phòng, đối ngoại được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Có 20/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt theo tiến độ đề ra, còn 4 chỉ tiêu quan trọng đạt thấp so với kế hoạch, đó là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, GRDP bình quân đầu người và thu hút đầu tư. Riêng chỉ tiêu thu ngân sách, thu từ tiền bán đấu giá quyền sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn. Tuy các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó đòi hỏi cần tiếp tục có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, cùng “chung lưng đấu cật” để vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi 2 mục tiêu kép “chống dịch” và “phát triển kinh tế - xã hội” của năm 2020.
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ THUỘC NHÓM CAO
6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 5,31%, thuộc nhóm cao của cả nước, mức tăng trưởng khá trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó, ngành nông - lâm - thủy sản tăng 11,89%, ngành công nghiệp xây dựng tăng 7,52% (công nghiệp tăng 10,39%), dịch vụ giảm 0,76%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,26%. Chăn nuôi ngày càng khẳng định được vị thế và phát triển mạnh mẽ, tổng đàn lợn tăng 13,15%, đàn gia cầm tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngày 8/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Bình Phước trên nhiều lĩnh vực, ấn tượng sâu sắc với tinh thần chỉ đạo, biện pháp thực hiện trong phòng chống đại dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Thu hút đầu tư trong nước được 30 dự án với số vốn đăng ký 750 tỷ đồng, bằng 46% về số dự án và bằng 9,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Thu hút đầu tư vốn nước ngoài (FDI) được 20 dự án với số vốn đăng ký 75 triệu USD, tăng 42,8% số dự án và tăng 6% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019, đạt 16,25% kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 5,02% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,54%; xuất khẩu tăng 3,36%.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 6 tháng là 4.117 tỷ đồng, đạt 60% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 41% dự toán HĐND tỉnh thông qua, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng chi ngân sách ước thực hiện 6.016 tỷ đồng, đạt 62% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 47% so với dự toán của HĐND tỉnh thông qua, tăng 38% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng đến ngày 30/6/2020 ước đạt 75.540 tỷ đồng, tăng 5,52% so với đầu năm.
Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh giảm sâu như: hạt điều, hạt tiêu, mủ cao su; ngành công nghiệp bị ảnh hưởng mạnh do gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và nhu cầu thị trường giảm sút, các hợp đồng trước khi có dịch tạm hoãn xuất khẩu gây áp lực rất lớn về chi phí vốn lưu động đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Ngành thương mại - dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các hoạt động thương mại, du lịch, vận tải giảm mạnh so với cùng kỳ do thực hiện giãn cách xã hội, trong đó du lịch doanh thu giảm 35,02%, khách sạn nhà hàng giảm 27,89%, dịch vụ giảm 25,01% so với cùng kỳ năm 2019. Thu hút đầu tư trong nước giảm 54% về số dự án và giảm 90,7% về số vốn đăng ký, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 6,6%; số doanh nghiệp đăng ký giải thể tăng 31,82%, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 23,53%, thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019./.