Sốt xuất huyết: Phòng bệnh là chính

Chủ nhật - 12/06/2022 09:20
(CTTĐTBP) - Trong 5 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận trên 36 ngàn ca sốt xuất huyết (SXH). Như vậy, sau đại dịch Covid-19, SXH đang là vấn đề mà ngành y tế khẩn trương triển khai để phòng chống. Do SXH là bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị cụ thể, đồng thời dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt khác nên người dân không được chủ quan, đồng thời trang bị thêm cho mình nhiều kiến thức để chủ động đối phó với bệnh. Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ thông tin thêm để mọi người hiểu, phân biệt giữa SXH và các loại bệnh sốt thông thường cũng như những lưu ý để bảo vệ mình, người thân trước căn bệnh nguy hiểm này.
 

Tâm lý chủ quan sau đại dịch Covid-19

Cùng với rất nhiều tỉnh, thành ở khu vực phía Nam đang chịu ảnh hưởng bởi bệnh SXH thì Bình Phước cũng không phải ngoại lệ. Tính đến thời điểm này, Bình Phước đã ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc bệnh.

picture1 08113612062022
picture2 08114812062022
Nhân viên Trung tâm y tế thành phố Đồng Xoài phun hóa chất diệt muỗi tại nhà người dân ở phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài

Ngay sau khi trở về trạng thái bình thường mới sau dịch Covid-19, tâm lý người dân đã chủ quan rất nhiều với các loại bệnh. Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, sổ mũi, ho…, người dân chỉ đi xét nghiệm Covid-19. Nếu kết quả âm tính, đa phần đều nghĩ rằng mình không mang bệnh, chứ không nghĩ đến một bệnh khác như là SXH. Bệnh có một số dấu hiệu đặc thù, đó là sốt cao đột ngột, kéo dài và thường chuyển biến nặng từ ngày thứ 3, thứ 4 trở đi. Tuy nhiên với một người đang mắc SXH nhưng khi xét nghiệm âm tính với Covid-19, họ thường chủ quan và không để ý nhiều đến sức khỏe. Với những cơn sốt kéo dài, cơ thể mệt mỏi, đa phần người bệnh nhập viện với tình trạng SXH nặng, các chỉ số như tiểu cầu giảm thấp, hematocrit tăng cao… khiến việc điều trị khó khăn và tốn nhiều thời gian.

SXH có những dấu hiệu rất đặc trưng mà mỗi người cần lưu ý, đó là: sốt cao đột ngột, người mệt mỏi, lừ đừ. Hiện nay, y học đã có những xét nghiệm cho kết quả nhanh và hiệu quả với bệnh SXH, như phương pháp NS1, được chỉ định xét nghiệm từ ngày thứ 1 đến thứ 3 của bệnh… Khi mắc SXH, nếu được chỉ định theo dõi tại nhà, cần lưu ý một số dấu hiệu như: đau bụng, chảy máu cam, chảy máu chân răng… thì cần chuyển viện ngay, vì đó là dấu hiệu của bệnh chuyển nặng.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh


Người dân đóng vai trò chủ động phòng chống SXH

SXH là bệnh do vi rút nhưng tác nhân chính là truyền từ người bệnh qua người lành bởi loại muỗi Aedes aegypti, tức muỗi vằn. Mà đặc tính của loại muỗi này đó chính là đốt người vào sáng sớm và khi chiều tối.

Thực tế, ngành y tế cũng tổ chức nhiều đợt truyền thông hướng dẫn người dân các giải pháp phòng chống SXH. Những nơi có ca bệnh thì ngành cũng phối hợp các địa phương, khu dân cư thành lập những tổ cộng đồng đi từng nhà hướng dẫn người dân loại bỏ vật chứa mà muỗi có khả năng sinh sản và phát triển. Tuy nhiên, để phòng chống bệnh tốt nhất, phải có sự chủ động của tất cả người dân, chứ ngành y tế không thể làm thay được. Một số giải pháp chúng ta có thể làm như phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, loại bỏ tất cả nơi sinh sản và phát triển của muỗi. Phải ngủ mùng để không bị muỗi cắn, kể cả ban ngày. Và quan trọng nhất, khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể như sốt phải nghiêm túc theo dõi sức khỏe và nghĩ ngay đến nguy cơ mắc SXH để tránh bệnh chuyển nặng.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lưu ý: Lâu nay, chúng ta đều nghĩ nơi sinh sản của muỗi - nguồn gây ra bệnh SXH nằm ở nơi cống, rãnh, bụi rậm… nhưng thực tế con muỗi này sống và sinh sản ngay chính trong ngôi nhà của chúng ta, như các bình cắm hoa, nơi nước đọng trong nhà… Để phòng chống bệnh, chúng ta hạn chế để nước tù, đọng, cần úp các lu, khạp, dụng cụ chứa nước khi không cần thiết…

Được nhận định là đến “chu kỳ” phát triển, từ đầu năm đến nay bệnh SXH bùng phát và phát triển mạnh trong cả nước. Trong đó, khu vực phía Nam đang đối phó với nhiều nguy cơ hơn cả. Tại TP. Hồ Chí Minh đến hết tháng 5 đã ghi nhận trên 10.000 ca, Bình Dương hơn 2.200 ca, Đồng Nai trên 500 ca… Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm khu vực phía Nam ghi nhận số ca SXH 2 tháng gần đây tăng so với cùng kỳ những năm trước, và dự đoán những con số này vẫn có chiều hướng gia tăng, khi các tỉnh Nam Bộ đang bước vào mùa mưa. Điều khiến nhiều người lo lắng đó chính là các ca bệnh năm nay thường rất nặng, thậm chí có một số trường hợp đã tử vong… Trang bị những kiến thức cần thiết, không được chủ quan với các dấu hiệu của bệnh đó chính là cách để bảo vệ bản thân, gia đình trước SXH./.

Tác giả: Theo Đài PT-TH&Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,240
  • Hôm nay128,018
  • Tháng hiện tại10,594,609
  • Tổng lượt truy cập455,989,731
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây