(CTTĐTBP) - Ngày 7/2, UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai Chỉ thị số 8733/CT-BNN-TCLN ngày 23/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Quý Mão và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2023.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng. Động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp; nội dung, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 về bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây phân tán, phát triển lâm sản ngoài gỗ theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025 theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, đề án trọng điểm khác của ngành lâm nghiệp.
Việc tổ chức phát động “Tết trồng cây” cần thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” tiến hành vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác (ngày 19/5), hoặc các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể. Sau khi thực hiện “Tết trồng cây”, các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình có cách làm hay, mô hình tốt, sáng tạo; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định.
Tăng cường thực hiện và tổ chức đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả. Đẩy mạnh quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định của pháp luật, nhằm phát huy giá trị đa dụng của rừng, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính.
Lực lượng liên ngành (Công an, Quân đội, Kiểm lâm) tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn; thường xuyên kiểm tra, điều tra xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 13/01/2022 của UBND tỉnh về kế hoạch trồng cây xanh giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước; chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch trồng cây xanh giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch trồng cây hàng năm trên địa bàn quản lý, phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích tại các lâm phần trên địa bàn quản lý; kiên quyết xử lý vi phạm, thu hồi và bắt buộc khắc phục hậu quả, trồng lại rừng theo quy định của pháp luật. Tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh kế hoạch tổ chức Lễ phát động phong trào “Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” cấp tỉnh vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 2023 và tham mưu kế hoạch trồng cây xanh năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện nghiêm túc việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, có tiêu cực, để xảy ra vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm báo cáo tình hình và kết quả công tác cập nhật theo dõi diễn biến rừng năm 2022 và tham mưu UBND tỉnh công bố hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định của pháp luật nhằm phát huy giá trị đa dụng của rừng, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định. Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh thu đúng, thu đủ tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022 và tổ chức giải ngân cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ rừng góp phần khuyến khích, nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng, phát huy hiệu quả và lợi ích của dịch vụ môi trường rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ rừng thực hiện rà soát phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn. Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp. Kiểm tra hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhận khoán, các chủ dự án trồng cây lâm nghiệp, cây cao su thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng. Chủ động kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích tại các lâm phần đã được giao quản lý, sử dụng; kiên quyết xử lý vi phạm, thu hồi và buộc khắc phục hậu quả, trồng lại rừng theo quy định pháp luật hiện hành./.