Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian vừa qua đã xuất hiện bệnh DTLCP tại 2 hộ chăn nuôi tại 2 xã của tỉnh Hưng Yên, 6 hộ chăn nuôi tại 1 xã của tỉnh Thái Bình và 1 hộ của thành phố Hải Phòng. Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới là rất cao.
Hôm qua (ngày 4/3/2019), tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai các giải pháp cấp bách khống chế DTLCP do Bộ NN&PTNT tổ chức, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với mục tiêu cao nhất là cô lập, xử lý triệt để các ổ dịch, quyết liệt phòng ngừa, không để dịch tiếp tục lây lan, đồng thời xác định phương án phù hợp để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ triệu chứng, các nguyên nhân gây bệnh, mức độ nguy hiểm của bệnh DTLCP, cách phòng chống bệnh; không gây hoang mang, lo lắng, từ đó tích cực tham gia công tác khống chế dịch. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán thực hiện nghiêm túc “5 không”: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Cũng trong ngày 4/3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND yêu cầu các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định của Luật Thú y, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ NN&PTNT; Công văn số 2698/UBND-KT ngày 19/9/2018 về việc khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm của bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh, Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 19/2/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2019.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác liên ngành và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở.
Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh DTLCP nhập cảnh vào Việt Nam. Tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lợn, sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu.
Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh DTLCP. Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm từ thịt lợn ra vào địa bàn tỉnh; bố trí các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn.
Chỉ đạo chính quyền cấp xã tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch; triển khai, xây dựng giải pháp xử lý triệt để lợn bệnh, sản phẩm thịt lợn bệnh, nghi mắc bệnh nhằm tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng.
Tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi và cộng đồng dân cư hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh DTLCP, các biện pháp xử lý, mức và thời gian hỗ trợ của nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan./.