Việc ban hành Kế hoạch này nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống mua bán người; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương; thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực, tăng cường hợp tác quốc tế để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò nêu gương, tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống mua bán người.
Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, xử lý; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án mua bán người được giải quyết, xét xử.
Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, kịp thời khắc phục những nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ mua bán người, làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tăng cường hợp tác quốc tế để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người.
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 12/5/2021 của UBND tỉnh gắn với việc thực hiện Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, các phương án, kế hoạch, giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.
Tổ chức truyền thông tại cộng đồng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người ở địa bàn cơ sở; sản xuất, phát sóng các chương trình truyền hình, tin, bài, phóng sự về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, chính sách, pháp luật và kết quả đấu tranh phòng, chống mua bán người của các lực lượng chức năng...; chia sẻ tài liệu, clip tuyên truyên nhằm truyền tải các thông điệp phòng, chống mua bán người.
Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người, gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội bằng nhiều nội dung, hình thức da dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể. Phát huy vai trò của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn cơ sở để tuyên truyền đến mỗi người dân về phòng, chống mua bán người.
Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý cư trú, quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại địa bàn tỉnh và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; quản lý, kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như các cơ sở kinh doanh, cho thuê lưu trú (nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn), nhà hàng, quán bar, karaoke, massage...
Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người, mua bán người trong nội địa, mua bán bộ phận cơ thể người, các hoạt động lợi dụng tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài trái phép để mua bán, cưỡng bức lao động...