Sự rộng lớn của địa chỉ IPv6 (128 bit) so với IPv4 (32 bit). Nguồn ảnh: Internet.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tính đến cuối tháng 4/2019, tỷ lệ truy cập Internet qua IPv6 toàn cầu đạt khoảng 26%, tăng trưởng trung bình 200% một năm. Dự báo đến năm 2020, tỷ lệ này đạt xấp xỉ 50%, đây cũng là thời điểm IPv4 dần ngừng hoạt động. Do đó, việc chuyển đổi sang sử dụng IPv6 thay thế IPv4 đang là một nhu cầu tất yếu, bắt buộc để đảm bảo sự phát triển ổn định của Internet trong thời gian tới.
Đón trước xu thế phải chuyển đổi sử dụng IPv6, từ năm 2008, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã có Chỉ thị số 03/2008/CT-BTTTT ngày 6/5/2008 về thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển IPv6, thông qua việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (thực hiện từ năm 2011 đến năm 2019 với mục tiêu tổng thể là Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 kể từ 2019). Đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa yêu cầu ứng dụng, triển khai IPv6 vào các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
Trong thời gian qua, theo sự điều phối của Bộ TT&TT và Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, hoạt động thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam được đẩy mạnh trên nhiều phương diện: Truyền thông tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo, tư vấn, chuẩn bị nguồn nhân lực; thiết lập và phát triển mạng Internet IPv6 quốc gia; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng. Với các nỗ lực trên, Việt Nam hiện đã đạt được kết quả tốt trong triển khai chuyển đổi IPv4 sang IPv6, được cộng đồng Internet khu vực và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tính đến cuối tháng 4/2019, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đã đạt mức 34,08% với hơn 8,6 triệu thuê bao cáp quang, 8,5 triệu thuê bao di động đang sử dụng IPv6. Việt Nam đứng thứ 7 trên toàn thế giới, đứng thứ 4 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 2 khu vực ASEAN với gần 18 triệu người sử dụng IPv6. Dịch vụ IPv6 đã được cung cấp rộng rãi tới người sử dụng, góp phần đảm bảo cho Internet Việt Nam bắt kịp với xu thế công nghệ mới. Đối với khối cơ quan nhà nước, với sự hỗ trợ của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, một số cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố đã chuyển đổi thành công sang IPv6 cho hệ thống công nghệ thông tin, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến.
Để đảm bảo mục tiêu chung quốc gia:“Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 kể từ năm 2019” - năm cuối thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và nhằm đảm bảo kết nối Internet thông suốt, an toàn cho hệ thống mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước, Bộ TT&TT vừa có văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, tăng cường các hoạt động triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ theo đúng lộ trình Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6./.