Quy định xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử

Thứ tư - 05/02/2020 18:03
(CTTĐTBP) - Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020.
>> Chi tiết Nghị định số 15/2020/NĐ-CP: Bấm xem

Đối tượng bị xử phạt là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này. Tổ chức là đối tượng bị xử phạt theo quy định của Nghị định này bao gồm: Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; đại lý cung cấp dịch vụ: Bưu chính, viễn thông, trò chơi điện tử trên mạng; đại lý Internet là tổ chức; đại diện, văn phòng đại diện cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài, chi nhánh của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; điểm cung cấp dịch vụ: Viễn thông, trò chơi điện tử công cộng; Điểm truy nhập Internet công cộng;

Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, truyền thanh, truyền hình sử dụng tần số vô tuyến điện; đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện; tổ chức phi chính phủ nước ngoài sử dụng tần số vô tuyến điện; nhà đăng ký tên miền; đơn vị vận hành hệ thống thông tin; cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; các tổ chức khác không phải là cơ quan nhà nước vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định này.

Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

Hình thức xử phạt chính bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng đối với giấy phép (Bưu chính, Giấy phép Viễn thông, Giấy phép thiết lập mạng viễn thông, Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, Giấy phép thiết lập mạng xã hội, Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, Giấy phép, chứng chỉ hành nghề); tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; trục xuất.

Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau: Buộc nộp lại tổng số tiền tương đương tổng số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của Bộ xác định thuê bao (SIM), trường hợp không thể xác định chính xác, số tiền phải nộp lại trên mỗi SIM được áp dụng theo công thức: 100.000 đồng nhân với số tháng vi phạm; buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế; buộc thu hồi số thuê bao, đầu số, kho số viễn thông; buộc thu hồi tài nguyên Internet, tên miền, địa chỉ Internet (IP), số hiệu mạng (ASN); buộc thu hồi mã số quản lý, số cung cấp dịch vụ; buộc hoàn trả địa chỉ IP, ASN, tên miền; buộc nộp lại phí sử dụng tần số trong thời gian sử dụng tần số không có giấy phép hoặc sử dụng sai nghiệp vụ, phương thức phát;

Buộc nộp lại chứng chỉ vô tuyến điện viên; buộc hoàn trả lại bưu gửi; buộc thanh toán đầy đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng tài nguyên Internet; buộc tái xuất vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu, tem bưu chính; buộc thu hồi kinh phí đã chi không đúng; buộc hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; buộc nộp lại văn bản cho phép thực hiện hoạt động gia công, sửa chữa sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép do vi phạm quy định của pháp luật; buộc nộp lại văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: Bưu chính và giao dịch điện tử đối với cá nhân là 40.000.000 đồng.

Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: Viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin đối với cá nhân là 100.000.000 đồng.

Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Thẩm quyền phạt tiền quy định tại Chương VIII Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm của tổ chức; đối với hành vi vi phạm của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền bằng 1/2 thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức.

Tác giả: T.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,768
  • Hôm nay63,548
  • Tháng hiện tại17,885,884
  • Tổng lượt truy cập477,778,571
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây