Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tuần từ ngày 8-14/1

Chủ nhật - 16/01/2022 15:47
(CTTĐTBP)- Chính phủ quyết tâm thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022; những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước; thần tốc tiêm vaccine và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng COVID-19... là những thông tin chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ ngày 8-14/1/2022.

 

 

NGHỊ QUYẾT 01/NQ-CP: Chính phủ quyết tâm thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022

Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Theo đó, chủ đề điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Với 6 quan điểm, trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công; phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở;...

Nghị quyết 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022

Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19…

Thần tốc tiêm vaccine và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng COVID-19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 28/CĐ-TTg ngày 11/1/2022 về việc thần tốc tiêm vaccine và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng COVID-19.

Công điện nêu: Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm đủ vaccine phòng và thuốc cho điều trị COVID-19, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc sản xuất, tự chủ vaccine trong nước nhanh nhất có thể và bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả; có văn bản hướng dẫn cụ thể cho UBND, sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thần tốc hơn nữa tổ chức tiêm vaccine và tăng cường điều trị tại nhà; quyết liệt hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, cá thể hóa trách nhiệm để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch COVID-19…

Chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 không phù hợp

Tại Công văn số 242/VPCP-KGVX ngày 11/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương có văn bản chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 không phù hợp.

Yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch và chỉ đạo việc sử dụng thuốc điều trị (kể cả thuốc kháng virus), bảo đảm an toàn, hiệu quả; rà soát, chỉ đạo nhập khẩu, sản xuất, sử dụng, phân phối thuốc kháng virus bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.

Phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022

Tại Nghị quyết số 03/NQ-CP, Chính phủ thống nhất Chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương chủ động thích ứng an toàn hiệu quả phục hồi phát triển”; yêu cầu từng thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương tập trung quán triệt và tổ chức triển khai nghiêm túc, sáng tạo, kịp thời, quyết liệt các kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ; phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; ưu tiên nguồn lực, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra trong năm 2022, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo…

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước

Chính phủ ban hành Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước.

Theo đó, đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, của pháp luật, góp phần xây dựng nền hành chính Nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân.

Vi phạm hành chính về thủy lợi bị phạt tới 250 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều.

Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng; lĩnh vực đê điều là 100 triệu đồng; lĩnh vực thủy lợi là 250 triệu đồng.

Tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025

Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ozon, Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Theo đó, thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025.

Nhập khẩu mỗi loại thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn chất lượng bị phạt đến 15 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi.

Theo đó, Nghị định 07/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 3/1/2020 của Chính phủ). Trong đó, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 39 vi phạm về chất lượng trong nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y. Cụ thể, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu mỗi loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất công bố.

Dự án đầu tư sử dụng đất phải bảo đảm không làm ô nhiễm, thoái hóa chất lượng đất

Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Nghị định quy định việc triển khai dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp, sử dụng đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, sử dụng đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đất, bảo đảm không làm ô nhiễm, suy giảm, thoái hóa chất lượng đất, không làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm không làm ô nhiễm, suy thoái đất và được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Sửa đổi hướng dẫn đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP

Chính phủ ban hành Nghị định số 9/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Trong đó, Nghị định bổ sung 2 điều kiện để công nhận nhà thầu đạt tư cách hợp lệ. Theo đó, nhà thầu là tổ chức, cá nhân có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định số 95/2020/NĐ-CP và thêm điều kiện: Không chịu phán quyết cuối cùng của tòa án về việc phạm tội nghiêm trọng hoặc các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác trong vòng 3 năm trước thời điểm đóng thầu; không có bằng chứng về việc nhà thầu có hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp trong vòng 3 năm trước thời  điểm đóng thầu.

Phê duyệt Đề án Bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 11/1/2022 phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2022-2026”.

Mục tiêu của Đề án là nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và hiệu quả xử lý các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực gia đình

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/1/2022 phê duyệt Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025.

Chương trình đặt mục tiêu đạt 40% số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình do UBND cấp xã tổ chức tại các thôn, tổ dân phố.

Đạt trên 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình; những người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe phấn đấu đạt 95%; những người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực phấn đấu đạt trên 80%.

Tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía bắc

Thông báo số 08/TB-VPCP ngày 10/1/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía bắc.

Giải pháp trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương biên giới giáp Trung Quốc, các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức các hoạt động ngoại giao tương ứng với cơ quan chức năng của Trung Quốc (trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm…) để tạo điều kiện, thống nhất thời gian mở cửa; tăng thời gian làm việc tại khu vực cửa khẩu; mở lại một số cửa khẩu đã đóng./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4,720
  • Hôm nay341,670
  • Tháng hiện tại341,670
  • Tổng lượt truy cập460,234,357
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây