Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Châu phát biểu kết luận tại hội nghị.
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 30, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tập trung tổ chức tốt việc quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ về thực hiện QCDC ở cơ sở. Các cấp chính quyền đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân; giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Từ đó nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tầng lớp nhân dân đã có chuyển biến sâu sắc, tạo bầu không khí dân chủ.
Bên cạnh đó, hệ thống chính trị, các cấp chính quyền đã đổi mới phong cách làm việc, khắc phục tình trạng hành chính hóa; chú ý tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa. Các cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới… được triển khai rộng rãi.
Trong quá trình triển khai thực hiện, ở một số địa phương, đơn vị có cách làm hay, hiệu quả, thiết thực như: huyện Lộc Ninh từ năm 2004 đến năm 2007 đã vận động đóng góp trên 6 tỷ đồng xây dựng công trình phúc lợi xã hội; huyện Đồng Phú vận động đóng góp trên 37 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa 18 cây cầu, sửa chữa 15 phòng học, kéo 11,32 km đường điện hạ thế, nâng cấp sửa chữa trên 185 km đường giao thông nông thôn… Tuy nhiên, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 30 còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: một số cán bộ công chức còn xem nhẹ nghĩa vụ, trách nhiệm trong phục vụ nhân dân, còn tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vi phạm dân chủ, tham nhũng; chưa có đề xuất biện pháp hiệu quả nhằm khắc phục những yếu kém, đôi khi còn làm đối phó, hình thức; kiểm tra, đánh giá nhân rộng điển hình còn chậm…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Châu cho rằng trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu rộng các quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Phải xác định việc thực hiện QCDC ở cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và là trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần… Đồng thời tiếp thu và giải quyết kịp thời các phản ánh, phản hồi bức xúc, vướng mắc của nhân dân; thường xuyên củng cố, xây dựng các quy ước khu dân cư, nâng cao chất lượng xây dựng khu phố văn hóa, gia đình văn hóa…
Hồng Sơn