Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm đã báo cáo những kết quả nổi bật về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2016. Chủ tịch UBND tỉnh đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét hỗ trợ tỉnh về 15 vấn đề quan trọng. Đó là, tiếp tục hỗ trợ địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng phục vụ an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế từ tổng nguồn trái phiếu Chính phủ 4.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua; xem xét, hỗ trợ kinh phí cho 15 xã biên giới của tỉnh với số tiền 450 tỷ đồng (30 tỷ đồng/xã).
Bình Phước kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho tỉnh thực hiện các dự án trên đất lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho triển khai thực hiện trong thời gian qua. Chính phủ thuận chủ trương cho địa phương thu hồi 2 dự án của Ban liên lạc Khối tình báo B58 và Công ty cổ phần TM-DV Rạng Đông để lập dự án quản lý bảo vệ rừng kết hợp chăn nuôi và du lịch sinh thái nhằm giữ môi trường cho thị xã Đồng Xoài.
Chủ tịch Nguyễn Văn Trăm đề nghị Chính phủ thuận chủ trương cho tỉnh quy hoạch khoảng 100 ha đất lâm nghiệp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao tập trung và thu hồi khoảng 3.000 ha diện tích bán ngập nhằm bảo vệ môi trường, tạo nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến lâm sản. Xem xét, hỗ trợ tỉnh kinh phí phát triển cây điều với mức 10 triệu đồng/ha để người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ tỉnh 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các tuyến kênh thủy lợi nội đồng, 700 tỷ đồng để đầu tư đoạn còn lại của Quốc lộ 13.
Bình Phước cũng kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai thực hiện một số dự án kết nối giao thông quan trọng như: Tuyến đường sắt Dĩ An đi Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh đi Chơn Thành, Lộc Ninh theo hình thức BOT; đồng thời đề nghị hỗ trợ cho ngân sách địa phương 220 tỷ đồng để đảm bảo nguồn cải cách tiền lương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Đảng bộ tỉnh bức tranh lưu niệm.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý lãnh đạo tỉnh Bình Phước cần quan tâm hơn nữa đến phát triển du lịch vì Bình Phước có nhiều tiềm năng, thế mạnh để đầu tư khai thác. Tỉnh nên đổi mới tư duy để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh phải kiên quyết không để xảy ra tệ nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, vì rừng Bình Phước có vai trò trong việc điều hòa khí hậu của vùng Đông Nam bộ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Tỉnh ủy Bình Phước cần đẩy nhanh cải cách hành chính để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây chính là khâu đột phá để xây dựng một chính phủ liêm chính, trong sạch, gần dân, vì dân. Đồng thời, phải gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của tỉnh đạt được trong 20 năm qua. Cụ thể là cơ sở hạ tầng, công tác chăm lo đời sống cho nhân dân có tiến bộ rất lớn; phát triển kinh tế và thu ngân sách của tỉnh tăng gấp 24 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 8 lần so với ngày đầu tái lập. Đặc biệt, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 10, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn tỉnh đạt nhiều kết quả khá toàn diện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chung phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung phát triển nông nghiệp thông minh và chế biến chuyên sâu các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao. Tỉnh cũng cần làm tốt công tác quy hoạch, sử dụng và giải quyết đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đồng bào nghèo thiếu đất sản xuất; phát huy lợi thế của địa phương để tạo ra sự cạnh tranh khác biệt giữa các địa phương khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với lợi thế về khí hậu, đất đai, đồng thời là thủ phủ của cây cao su, điều, hồ tiêu và nhất là với thành công bước đầu của nông nghiệp công nghệ cao như hiện nay, Bình Phước phải nhận diện lối đi và đẩy mạnh theo hướng này để phát triển. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Những khó khăn, tồn tại của Bình Phước cũng là trách nhiệm của bộ ngành Trung ương. Do vậy, bộ ngành Trung ương phải tiếp tục theo dõi để hỗ trợ địa phương phát triển bền vững./.
Hồng Sơn - Nhật Phong