Mục tiêu chung của Kế hoạch là tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây truyền HIV kịp thời, góp phần đạt được mục tiêu chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Một số chỉ tiêu cụ thể trong giai đoạn 2025 - 2030, phấn đấu 100% tỉnh, thành phố được cập nhật các văn bản, hướng dẫn chuyên môn về đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV; 100% lãnh đạo, cán bộ chương trình phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố được đào tạo về quy trình đáp ứng y tế công cộng; 100% tỉnh, thành phố có thực hiện việc theo dõi phân tích số liệu giám sát dịch và theo dõi chương trình theo quy định hàng quý để phát hiện cảnh báo dịch và các khoảng trống dịch vụ.
Trên 80% tỉnh, thành phố ứng dụng xét nghiệm phát hiện nhiễm mới HIV phục vụ việc cảnh báo dịch; trên 80% tỉnh, thành phố có chùm ca nhiễm HIV lập kế hoạch và triển khai các biện pháp đáp ứng y tế công cộng, huy động nguồn lực hợp pháp để triển khai thực hiện kế hoạch đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV; trên 100% tỉnh, thành phố thực hiện đáp ứng y tế công cộng có báo cáo, đánh giá định kỳ sau đáp ứng để duy trì bền vững, hiệu quả kiểm soát lây nhiễm HIV trên địa bàn quản lý.
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu nêu rên, Bộ Y tế yêu cầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm: huy động nhân lực; huy động tài chính; nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ trung ương tới địa phương; đảm bảo cung ứng sinh phẩm, vật tư phục vụ hoạt động phòng, chống dịch HIV; tăng cường vai trò điều phối và huy động sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực của các cơ quan, tổ chức.
Trong đó, đối với giải pháp nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ trung ương tới địa phương, Bộ Y tế yêu cầu cần tập trung phát triển chương trình tài liệu đào tạo trực tiếp, trực tuyến về đáp ứng y tế công cộng. Nâng cao năng lực của các viện, bệnh viện trung ương trong việc phân tích và sử dụng dữ liệu giám sát dịch, dữ liệu sinh học phân tử HIV để cảnh báo chùm ca nhiễm HIV kịp thời, chính xác.
Thực hiện đào tạo tập huấn các nội dung chuyên môn tư vấn bạn tình bạn chích (PNS), tiếp cận mạng lưới xã hội (SNS), các quy trình kết nối vào dịch vụ dự phòng PrEP, dịch vụ điều trị ARV, điều trị nhanh trong ngày....
Đồng thời, đào tạo hỗ trợ kỹ thuật về cải thiện chất lượng dịch vụ thông qua đào tạo tập huấn, hướng dẫn cầm tay chỉ việc, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các tuyến về sử dụng số liệu, phân tích nguyên nhân cải thiện chất lượng dịch vụ, xây dựng kế hoạch đáp ứng y tế công cộng./.