(CTTĐTBP) - Ngày 20/6, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tổ chức phát hiện sớm và cách ly kịp thời người mắc hoặc nghi mắc COVID-19
Người bệnh có dấu hiệu chỉ điểm mắc COVID-19 (ho, sốt) khi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được chỉ dẫn khám tại phòng khám truyền nhiễm; người bệnh cấp cứu được chỉ dẫn khám tại khu vực tiếp đón của khoa cấp cứu.
Thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nhanh COVID-19. Những trường hợp dương tính COVID-19 phải nhập viện được cách ly, điều trị tại khoa cấp cứu (nếu người bệnh ở trong tình trạng cấp cứu), hoặc được cách ly, điều trị theo chuyên khoa.
Tại các khoa lâm sàng, nếu phát hiện người bệnh mắc COVID-19 thì chuyển người bệnh vào buồng cách ly của khoa để cách ly, điều trị.
Buồng khám bệnh truyền nhiễm, hô hấp; khu vực tiếp đón (khoa cấp cứu) và các buồng cách ly tại các khoa lâm sàng phải đảm bảo yêu cầu về thông khí và luôn có sẵn các điều kiện, phương tiện cách ly theo quy định.
Nhân viên y tế trực tiếp thăm khám người mắc, hoặc nghi mắc COVID-19 cần mang khẩu trang y tế và găng tay, tuân thủ nghiêm quy định vệ sinh tay.
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa chuẩn, kết hợp với phòng ngừa theo đường lây truyền
Thực hiện phòng ngừa chuẩn kết hợp với phòng ngừa qua đường không khí, đường tiếp xúc và đường giọt bắn tùy thuộc vào từng tình huống lâm sàng khi thăm khám, điều trị, chăm sóc người mắc, hoặc nghi mắc COVID-19.
Phòng ngừa chuẩn: Áp dụng ở mọi người bệnh. Lưu ý hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh, khách thăm che mũi miệng khi ho, hắt hơi, rửa tay ngay sau khi tiếp xúc dịch hô hấp và loại bỏ khẩu trang, khăn/giấy đã sử dụng vào đúng nơi quy định.
Phòng ngừa dựa theo đường lây truyền: Phòng ngừa lây truyền qua đường không khí (Airborne Precautions): Áp dụng khi thực hiện các thủ thuật có tạo khí dung hoặc khi phẫu thuật ở người mắc, hoặc nghi mắc COVID-19. Nhân viên y tế cần mang khẩu trang N95; phòng ngừa lây truyền qua đường giọt bắn (Droplet Precautions) và tiếp xúc (Contact Precautions): Áp dụng ở hầu hết các tình huống lâm sàng; người bệnh được sắp xếp vào buồng cách ly hoặc chung buồng với người bệnh COVID-19 khác; nhân viên y tế mang khẩu trang y tế và găng tay khi thăm khám, chăm sóc người bệnh COVID-19. Mang áo choàng giấy sử dụng một lần khi thực hiện các thủ thuật có nguy cơ văng bắn máu/dịch cơ thể. Tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh tay; người bệnh, người nhà người bệnh luôn mang khẩu trang y tế, đặc biệt là khi di chuyển ra ngoài khu vực cách ly.
Đảm bảo thông khí môi trường khu vực chăm sóc người bệnh
Các buồng cách ly cần đảm bảo thông khí áp lực âm. Nếu chưa có buồng thông khí áp lực âm, áp dụng thông khí tự nhiên kết hợp với thông khí cơ học. Đảm bảo tần suất trao đổi không khí ≥12 lần/giờ. Luồng khí thoát ra ngoài buồng cách ly cần hướng tới khu vực ít người qua lại.
Tăng cường thông khí tự nhiên ở mọi khu vực chăm sóc người bệnh.
Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân
Tất cả nhân viên y tế khi thực hiện các hoạt động chuyên môn chăm sóc người bệnh COVID-19 tuân thủ đúng các bước lựa chọn, sử dụng, tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân đảm bảo hiệu quả an toàn theo nguy cơ lây nhiễm.
Khuyến khích người bệnh, người nhà người bệnh mang khẩu trang khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Không sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Không sử dụng lại phương tiện phòng hộ cá nhân dưới mọi hình thức.
Loại bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân đúng nơi quy định.
Tăng cường thực hành vệ sinh tay
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tăng cường công tác vệ sinh tay theo “Hướng dẫn vệ sinh tay trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, ban hành theo Quyết định số 3916/QĐ-BYT ngày 28/8/2017 của Bộ Y tế.
Cần lưu ý một số nội dung sau: Trang bị đầy đủ phương tiện vệ sinh tay, đặc biệt là dung dịch sát khuẩn có chứa cồn ở mọi khu vực khám bệnh, buồng bệnh, nơi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật; trang bị dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn ở các khu vực công cộng để người nhà người bệnh và khách thăm vệ sinh tay khi cần; tăng cường giám sát tuân thủ thực hành vệ sinh tay ở nhân viên y tế, người bệnh và khách thăm, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, khu vực cách ly.
Vệ sinh khử khuẩn các môi trường bề mặt và phương tiện vận chuyển, chăm sóc người bệnh
Cần thực hiện vệ sinh khử khuẩn các môi trường bề mặt và phương tiện vận chuyển, chăm sóc người bệnh theo “Hướng dẫn vệ sinh môi trường bề mặt trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, ban hành theo Quyết định số 3916/QĐ-BYT ngày 28/8/2017 của Bộ Y tế.
Cần lưu ý một số điểm sau: Nhân viên thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn môi trường bề mặt (nhân viên y tế và nhân viên vệ sinh công nghiệp) cần được đào tạo, tập huấn quy định, quy trình vệ sinh khử khuẩn môi trường khi làm việc tại cơ sở; cơ sở khám bệnh chữa bệnh cần trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, hóa chất, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân cho công tác vệ sinh khử khuẩn bề mặt môi trường, phương tiện vận chuyển và chăm sóc người bệnh; tăng cường giám sát chất lượng vệ sinh khử khuẩn các bề mặt thường xuyên có tiếp xúc bàn tay, các bề mặt khu vực cách ly người bệnh COVID-19.
Phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 ở một số tình huống đặc biệt
Phẫu thuật người bệnh COVID-19: Đảm bảo yêu cầu về thông khí buồng phẫu thuật; hạn chế nhân viên y tế vào buồng phẫu thuật; thành viên kíp phẫu thuật mang khẩu trang N95 và áo choàng vô khuẩn chống thấm máu dịch.
Bảo vệ người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao (người bệnh suy giảm miễn dịch, lọc máu chu kỳ, ung thư...): Sắp xếp người bệnh theo khu vực riêng tùy điều kiện thực tế. Nhắc nhở, hạn chế người bệnh đi lại, tiếp xúc trong quá trình điều trị; hướng dẫn, nhắc nhở người bệnh, người chăm sóc người bệnh và khách thăm thực hiện vệ sinh tay, vệ sinh hô hấp khi ho, vệ sinh phương tiện cá nhân và mang khẩu trang y tế; tư vấn người bệnh tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo lịch tiêm chủng và các hướng dẫn hiện hành về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế; cảnh giác, phát hiện sớm các dấu hiệu nghi mắc COVID-19, thực hiện chẩn đoán và điều trị COVID-19 kịp thời; nhân viên y tế tuân thủ nghiêm thực hành “phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa theo đường lây truyền” khi chăm sóc người bệnh COVID-19.
Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Nhân viên y tế cần được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn hiện hành về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế.
Tăng cường đào tạo và giám sát tuân thủ các thực hành phòng ngừa ở nhân viên y tế
Hằng năm, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tổ chức đào tạo lại cho nhân viên y tế (bao gồm cả nhân viên mới và sinh viên thực tập) về các thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn, chú trọng các thực hành phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Hằng tháng, thực hiện kiểm tra giám sát tuân thủ các thực hành phòng ngừa lây nhiễm ở nhân viên y tế và kịp thời khắc phục những điểm tồn tại sau giám sát./.