Ban Chỉ đạo đề xuất 59 tỉnh thành thuộc nhóm nguy cơ thấp

Thứ tư - 22/04/2020 14:00
(CTTĐTBP) - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 thống nhất đề xuất danh sách các địa phương thuộc 3 nhóm nguy cơ. Theo đó, thành phố Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ cao; Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang thuộc nhóm nguy cơ; nhóm nguy cơ thấp gồm các địa phương còn lại.
ddn 6520

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp sáng 22/4 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19


Ngày 22/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đến giờ phút này Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh bởi vì chúng ta có sự lãnh đạo đúng, thực thi đúng và hiệu quả. Đặc biệt chúng ta tuyên truyền vận động xã hội, cả hệ thống vào cuộc phòng, chống dịch. Chính vì vậy nên khi tình hình dịch bệnh diễn biến xấu, nhanh, nhưng toàn xã hội và cả bộ máy không bị động, không hoảng hốt.

Dù tình hình tốt lên nhưng điều quan trọng là nhất định không được chủ quan. Các biện pháp có tính nới lỏng phải trên cơ sở khoa học về phòng, chống dịch, khoa học xã hội và có tham khảo quốc tế. Trên tinh thần đó Ban Chỉ đạo đã giao cho các nhóm chuyên gia tham khảo rất tỉ mỉ, đặc biệt là trao đổi với các địa phương về các tiêu chí khách quan, chủ quan để đánh giá nguy cơ dịch bệnh. Qua trao đổi, từng tỉnh, thành phố cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, biết những khâu nào mạnh, khâu nào yếu cần phải tăng cường, cải thiện.

Địa phương chủ động nâng cao năng lực ứng phó

Tại cuộc họp ngày 15/4, Ban Chỉ đạo đã kiến nghị 12 tỉnh thuộc nhóm nguy cơ cao và tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg; 15 tỉnh nguy cơ thì thực hiện như Chỉ thị 15/CT-TTg và có thể tuỳ tình hình thực tế để bổ sung thêm các giải pháp trong Chỉ thị 16/CT-TTg; các tỉnh còn lại thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg. Đến cuộc họp hôm nay (22/4), qua trao đổi với các địa phương, sau khi nhiều giải pháp được thực hiện để tăng cường, cải thiện các tiêu chí chủ quan, có 11/12 tỉnh tự đánh giá không còn thuộc nhóm nguy cơ cao, 8/15 tỉnh đánh giá mình không thuộc nhóm nguy cơ.

Bộ phận chuyên môn Ban Chỉ đạo đã họp và dựa trên các tiêu chí đánh giá, trong đó có yếu tố các tiêu chí chủ quan đã được tăng cường, cải thiện rất tốt trong tuần qua, đo lại các các tiêu chí khách quan, trong đó có chỉ số quan trọng là các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng (F0). Theo đó, nhóm nguy cơ cao là các địa phương còn ca mắc tại cộng đồng trong vòng 14 ngày; nhóm có nguy cơ là các địa phương có ca mắc tại cộng đồng trong khoảng thời gian từ 15-28 ngày; nhóm nguy cơ thấp là các địa phương trên 28 ngày không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng. Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất danh sách các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ như sau.

Nhóm nguy cơ cao: Hà Nội;

Nhóm nguy cơ gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang;

Nhóm nguy cơ thấp: Gồm các địa phương còn lại.

So với đánh giá của Ban Chỉ đạo có tới 14 tỉnh tự xếp vào nhóm có nguy cơ. Điều đó chứng tỏ các tỉnh cũng rất thận trọng.

Đối với địa phương còn nguy cơ cao là TP. Hà Nội, Ban Chỉ đạo kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố căn cứ vào tình hình thực tiễn có một số giải pháp nới lỏng hơn so với Chỉ thị 16/CT-TTg.

Còn đối với nhóm nguy cơ, mặc dù ca bệnh cuối cùng phát hiện tại TPHCM đã qua 25 ngày nhưng vì là đô thị lớn và rất nhiều yếu tố rủi ro khác nên Ban Chỉ đạo đánh giá là có nguy cơ, cần phải chú trọng một số khâu. Tỉnh Bắc Ninh có ca bệnh mới nhất xuất hiện là ngày 7/4, đã qua 14 ngày. Tỉnh Hà Giang có ca bệnh phát hiện ngày 8/4, cũng đã qua 14 ngày nhưng điều tra dịch tễ rất phức tạp, có tiềm ẩn nguy cơ trong cộng đồng. Đây cũng là tỉnh biên giới vẫn còn nguy cơ từ việc đi lại qua đường mòn, lối mở dù chúng ta đã kiểm soát chặt.

Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 là biện pháp hiệu quả nhất

Ban Chỉ đạo Quốc gia khẳng định việc hạn chế tập trung đông người và giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ là biện pháp hiệu quả nhất trong ứng phó với dịch COVID-19 và được nhiều quốc gia thực hiện. Điều đó minh chứng cho sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị 15/CT-TTg về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 được ban hành khi Việt Nam đang có nguy cơ cao từ các trường hợp xâm nhập bị bỏ sót với số lượng lớn người nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian trước đó.

Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly toàn xã hội được yêu cầu thực hiện nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch trong cộng đồng khi có nguy cơ cao từ các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn lây.

Thời gian qua các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, góp phần quan trọng ngăn chặn được sự lây lan dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Theo Ban Chỉ đạo, việc thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg đã góp phần quản lý được các trường hợp xâm nhập có thể bị bỏ sót khi cách ly toàn bộ người nhập cảnh vào Việt Nam và Chỉ thị 16/CT-TTg đã hạn chế việc di chuyển và tập trung đông người của các trường hợp mắc phát hiện tại cộng đồng (như với ổ dịch tại Hạ Lôi, Mê Linh), từ đó đã ngăn chặn không để lây lan rộng dịch bệnh ra cộng đồng.

Trong vòng 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, từ 1-15/4, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm chỉ ghi nhận 32 trường hợp mắc mới tại cộng đồng trong tổng số 62 ca được phát hiện.

So sánh cùng khoảng thời gian trước đó (153 trường hợp mắc từ 16-31/3), số trường hợp mắc giảm 59,5%, số mắc trung bình theo ngày giảm 6 trường hợp. Các trường hợp mắc mới, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM bắt đầu có xu hướng chững lại từ sau ngày 27/3 và giảm mạnh từ sau ngày 1/4. Đặc biệt, tính từ 16/4 đến nay Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.

Việc thực hiện cách ly xã hội đã nhận được sự đồng tình của mọi người dân, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.

Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh rằng, dù tình hình đã tốt lên nhưng chúng ta không được chủ quan, bởi thực tế chống dịch ở nhiều nước đã cho thấy nếu chủ quan sẽ rất dễ “vỡ trận”. Do đó, các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới phải được tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học, xã hội, kinh tế, có tham khảo ý kiến thực tiễn từ các địa phương,…

Ban Chỉ đạo cũng đã trình Thủ tướng dự thảo Chỉ thị mới trên cơ sở lấy ý kiến nghiêm túc các bộ ngành thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương và cả các bộ thuộc lĩnh vực kinh tế để bảo đảm vừa kiểm soát dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện có dịch, đồng thời đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí trong Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg.

‘Nới lỏng’ nhưng phải bảo đảm an toàn, không chủ quan

Ban Chỉ đạo kiến nghị đối với địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao (Hà Nội) cần tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4). Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo đề xuất Thủ tướng cho phép chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm nguy cơ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm nguy cơ thấp: Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng, chống dịch của cơ sở do mình quản lý.

Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các nhóm đối tượng này.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tập trung công tác phòng chống dịch cho nhóm nguy cơ: Công nhân ở các khu lao động đặc biệt ở các khu nhà trọ; người lao động tự do; người yếu thế; học sinh, sinh viên.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; tăng cường lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng của cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm và yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở khu vực này./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,528
  • Hôm nay165,600
  • Tháng hiện tại4,489,842
  • Tổng lượt truy cập488,353,280
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây