Học và làm theo Bác góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

Thứ ba - 21/05/2024 15:18
(CTTĐTBP) - Phát huy những thành tích đạt được, hơn 03 năm qua, Đảng bộ tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, đã đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

ĐẶT LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI DÂN LÊN TRÊN HẾT

Những ngày tháng 5 lịch sử, người dân thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước càng thêm vui mừng, phấn khởi, háo hức trước sự phát triển từng ngày của thành phố. Sau hơn 01 năm được đưa vào khánh thành sử dụng, từ ngày 15/5/2023, đường Phan Bội Châu, phường Tân Bình kết nối đường Tôn Đức Thắng, phường Tiến Thành - Khu công nghiệp Đồng Xoài III - Khu đô thị Cát Tường Phú Hưng (xã Tiến Hưng), con đường đẹp nhất thành phố hiện nay đã trở thành tuyến huyết mạch, kết nối giao thông thuận lợi, góp phần thúc đẩy diện mạo đô thị phát triển từng ngày. Con đường giúp rút ngắn khoảng cách từ Quốc lộ 14 đến Khu công nghiệp Đồng Xoài III và Khu đô thị Cát Tường Phú Hưng xuống còn 1,5km thay vì 08km như trước. Quan trọng hơn, đây là công trình của "ý Đảng - lòng dân". Cả tuyến đường dài hơn 1.150m, rộng 32m, tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng là kết quả, là tâm huyết của người dân và chính quyền thành phố cùng góp công, góp sức vun đắp từ chủ trương lớn “Việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến” của thành phố Đồng Xoài.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tặng biểu trưng cho ông Nguyễn Hữu Đây (phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài) tại Chương trình Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng do Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức vào tháng 11/2023
Thực hiện chủ trương lớn “Việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến”, kết thúc năm 2023, thành phố Đồng Xoài đã vận động người dân hiến khoảng 115ha đất với tổng trị giá khoảng 926 tỷ đồng. Với niềm tin vào những quyết sách của Đảng bộ và chính quyền địa phương, người dân thành phố đã có sự đồng thuận cao, hiến đất và tài sản trên đất để thực hiện các tuyến đường quy hoạch của thành phố. Ủy ban nhân dân các xã, phường có người dân hiến đất đã giao cho công chức chuyên môn thực hiện tốt việc chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhân dân, hướng dẫn các hộ đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Đối với những hộ đã hết đất ở, Ủy ban nhân dân phường báo cáo, tham mưu với lãnh đạo thành phố áp dụng những chính sách theo quy định để ổn định cuộc sống cho người dân.

Năm 2022, hưởng ứng Phong trào "Việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến" của thành phố Đồng Xoài, gia đình ông Nguyễn Hữu Đây đã đồng thuận hiến 7.000m2 đất và tự nguyện tháo dỡ, di dời 02 căn nhà cấp 4, diện tích 150m2 để bàn giao cho thành phố triển khai thi công tuyến đường quy hoạch Phan Bội Châu lộ giới 32m. Hành động của gia đình ông Nguyễn Hữu Đây đã tạo sự lan tỏa tích cực, kết quả 41/41 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường Phan Bội Châu đã tự nguyện hiến đất, chặt hạ cây cối, tháo dỡ, di dời công trình, vật kiến trúc và bàn giao mặt bằng để thi công hoàn thành, đưa tuyến đường vào sử dụng.
Đường Phan Bội Châu kết nối thành phố Đồng Xoài với Khu công nghiệp Đồng Xoài III, tỉnh Bình Phước được đưa vào sử dụng gần một năm nay. Trong đó, có gần 3,8ha đất phải giải phóng mặt bằng thi công xây dựng tuyến đường với tổng giá trị khoảng 40 tỷ đồng đều do 41 hộ dân có nhà, đất trên tuyến đường tự nguyện hiến cho Nhà nước
“Chủ trương 'Việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến' được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để thành phố Đồng Xoài phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo. Một trong những yếu tố tạo nên thành công của chủ trương này là tính hợp lòng dân, rất hiệu quả, có tính lan tỏa cao, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết khi triển khai thực hiện. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân góp sức xây dựng thành phố trẻ. Bởi khi các tuyến đường được hoàn thành sẽ mang lại lợi ích về giá trị đất đai, mở ra nhiều cơ hội làm ăn, phát triển cho chính người dân địa phương”, đồng chí Hà Anh Dũng - Bí thư Thành ủy Đồng Xoài chia sẻ.

Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Giữ trọn lời thề đảng viên”; phong trào “Việc nước, việc làng, đất vàng cũng hiến”, “Ngày thứ Bảy về với khu dân cư - lắng nghe dân nói” của thành phố Đồng Xoài chỉ là một trong số rất nhiều mô hình học tập và làm theo Bác của tỉnh Bình Phước. Thị xã Phước Long, thị xã Chơn Thành, Huyện ủy Bù Đốp với mô hình “Thực hành tiết kiệm vì người nghèo”. “Đảng viên thực hành tiết kiệm, làm theo lời Bác Hồ”, “Tiết kiệm bản thân dành phần người khó” đã thu được gần 12 tỷ đồng. Thị xã Bình Long có Câu lạc bộ Bếp Lửa Hồng, Kết nối trái tim tình nguyện; mô hình “Đảng viên dìu dắt quần chúng và cấp dưới”. Huyện Bù Đăng với mô hình “3 không, 4 có” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của huyện.

Trong thời gian qua, Bình Phước đã lan tỏa nhiều mô hình mới, cách làm hay của các cơ quan, đơn vị, địa phương được duy trì thực hiện hiệu quả và ngày càng lan rộng trong toàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh.

ĐỀ CAO TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG TRONG LÀM THEO BÁC

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 1.065 mô hình làm theo Bác. Tỉnh Bình Phước vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 01 tập thể, 01 điển hình được giao lưu toàn quốc, gặp gỡ Tổng Bí thư. Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen cho 02 tập thể và 04 cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác.

Trong 03 năm, tỉnh đã trao bằng khen cho 116 điển hình có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác, cấp huyện tuyên dương, khen thưởng cho 1.632 điển hình, cấp xã tuyên dương, khen thưởng cho 3.356 điển hình.

Chia sẻ về những kết quả tích cực đạt được trong học và làm theo Bác ở Bình Phước, đồng chí Vũ Tiến Điền - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết Trung ương và nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Việc xây dựng mô hình học tập và làm theo Bác luôn được thực hiện theo phương châm “đặt lợi ích thiết thực cho người dân lên trên hết, trước hết”.
Hội nghị nghiên cứu, quán triệt “Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Phước” bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Tỉnh ủy đến 380 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn với trên 27.199 đảng viên tham dự
Trong học tập và làm theo Bác, Tỉnh ủy đã đề cao việc xây dựng cam kết, kế hoạch rèn luyện, tu dưỡng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với trách nhiệm nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, triển khai đồng bộ, sâu rộng, ngày càng trở thành việc làm chủ động, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng trong tỉnh. Qua đó, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu, kết hợp với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Bằng sự quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy các cấp, mà các cấp ngành trong tỉnh đã kết hợp chặt chẽ giữa học tập và làm theo Bác với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và từng địa phương, đơn vị. Bước đầu, phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện hoàn thành, đạt và vượt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; tập trung giải quyết có hiệu quả nhiều nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, vấn đề bức xúc, nổi cộm dư luận Nhân dân quan tâm như: cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, đổi mới tác phong lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước và các đơn vị thực hiện nghi thức động thổ xây dựng nhà máy chế biến hạt điều lớn nhất Việt Nam
Trong tỉnh, kinh tế tiếp tục có sự phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng ước đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và thứ 11 cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,4%; việc thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tăng mạnh. Đặc biệt Bình Phước đã hoàn thành và được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển của tỉnh.

Năm 2023, Cổng dịch vụ công của tỉnh hiện tích hợp 1.442 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia (xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố), trong đó có 1.071 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt tỷ lệ 73,8%), 371 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 26,2%). Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được nâng cao, thực hiện dịch vụ chứng thực điện tử đã triển khai tại 11/11 cấp huyện, 111/111 cấp xã. Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ tại 100% UBND cấp huyện, cấp xã, góp phần hiện đại hóa, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh và tạo niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp. Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và 03 IOC cấp huyện đã phát triển hệ thống hợp dữ liệu, cập nhật tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, phục vụ cho chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh.

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao mỗi tổ chức đảng, chi bộ, đảng bộ phấn đấu xây dựng một mô hình tiêu biểu và một điển hình tiêu trong học tập và làm theo Bác. Hiện nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 mô hình học tập và làm theo Bác từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở được nhân rộng, lan tỏa.

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy chọn từ 01 - 02 nhiệm vụ trọng tâm đột phá gắn với học tập Bác để triển khai thực hiện. Riêng ở cấp tỉnh, năm 2022 đã lựa chọn 04 nội dung trọng tâm; năm 2023 lựa chọn 03 nội dung trọng tâm, năm 2024 lựa chọn 04 nội dung trọng tâm của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

TẬP TRUNG XÂY DỰNG VÀ NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH HIỆU QUẢ 

Phát huy những kết quả đạt được, với “tinh thần của Kết luận số 01-KL/TW là tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đảng viên phải liên hệ, gắn bó mật thiết với quần chúng Nhân dân, lấy dân làm gốc, đại đoàn kết toàn dân tộc”, trong thời gian tới, để việc học và làm theo Bác ở Bình Phước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và các nghị quyết, chỉ thị liên quan, gắn với thực hiện Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025. Tổng kết, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nội dung, giá trị, ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập, vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc, vừa giàu có bản sắc của địa phương; xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo.

Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác, phấn đấu mỗi huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các chi, đảng bộ cơ sở có ít nhất một mô hình tiêu biểu và một điển hình của cấp mình.

Phát huy tốt vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo và trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện. Gắn các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị với giải quyết các vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, những vấn đề mà nhân dân quan tâm. Việc học tập và làm theo Bác trở thành một tiêu chí trong việc đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, chú trọng phát hiện, biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả của tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong việc học tập và làm theo Bác.

Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ truyền thông, báo chí (như báo, đài, các trang thông tin điện tử nội bộ, mạng xã hội…), các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hội thi; các cuộc thi viết, thi trắc nghiệm trực tuyến… để cộng hưởng, tạo sự lôi cuốn và sức lan tỏa sâu rộng trong Đảng và trong xã hội về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Tác giả: Anh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,311
  • Hôm nay158,358
  • Tháng hiện tại9,231,290
  • Tổng lượt truy cập493,094,728
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây