Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến năm 2020 tầm nhìn 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước chỉ ở mức 50.000ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000ha, nhưng đến tháng 12/2018, diện tích sản xuất trồng hồ tiêu của Việt Nam đã lên tới 152.000ha, gấp gần 3 lần so với quy hoạch đến năm 2020.
Tính đến giữa tháng 3/2019, giá hồ tiêu khu vực Tây Nguyên và miền Nam đã giảm xuống, dao động từ 44.500 - 46.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức “đỉnh” 230.000 đồng/kg đã đạt được trong năm 2015 và cũng thấp hơn so với mức ước tính 50.000 đồng/kg đối với giá thành sản xuất. Trong thời gian tới, giá hồ tiêu có thể giảm xuống sát ngưỡng 40.000 đồng/kg do nhiều địa phương trên cả nước hiện đang bước vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2018-2019. Với diễn biến này, có thể nói đây chính là giai đoạn khó khăn nhất của ngành hồ tiêu Việt Nam.
Hiện Việt Nam xuất khẩu tới 95% sản lượng hồ tiêu. Do đó, để xuất khẩu hồ tiêu bền vững thì vấn đề chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Để làm được điều này, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam cần liên kết, kết nối với các đối tác khách hàng quốc tế, hiệp hội gia vị thế giới để mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng chất lượng cho sản phẩm hồ tiêu.
Tổ chức Hồ tiêu quốc tế (IPC) dự báo, ước tính sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2019 đạt hơn 494.200 tấn, giảm 5,6% so với năm 2018 (523.400 tấn). Tuy nhiên, giá hồ tiêu toàn cầu sẽ không tăng mạnh do Braxin đang bước vào vụ thu hoạch mới. Ấn Độ, Malaysia là những quốc gia sản xuất hồ tiêu hàng đầu thế giới cũng dự báo giảm tăng trưởng đến 60% trong năm 2019. Ngoài ra, ngành hồ tiêu của Malaysia cũng đang đối mặt với sự suy giảm hơn nữa do sản lượng hồ tiêu thế giới tăng./.