Theo đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, các bến xe khách trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Duy trì công tác theo dõi, giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định thời gian lái xe, tốc độ chạy xe; tuyệt đối không tranh giành khách, không chở quá số người cho phép, không dừng đỗ đón, trả khách sai quy định.
Thường xuyên rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện Quy trình đảm bảo an toàn giao thông của đơn vị theo quy định tại Điều 11 Nghị định 10/2020/NĐCP ngày 17/01/2020 của Chính phủ và các Điều 4, 5, 6, 7 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/05/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm theo danh sách hành khách tối thiểu 03 năm tại đơn vị theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 41/2024/NĐCP ngày 16/4/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 7 Nghị định số 10/2020/NĐCP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Phản ánh ngay với các cơ quan, lực lượng chức năng khi phát hiện những phương tiện hoạt động trá hình “tuyến cố định”, “xe dù, bến cóc”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn để kịp thời có biện pháp ngăn chặn xử lý. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình trạng kỹ thuật của phương tiện trước khi xuất bến; kiên quyết không làm thủ tục xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe không có hoặc có nhưng không hoạt động, các trường hợp lái xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện hoặc có sử dụng rượu bia.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện an toàn giao thông của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng việc thực hiện các quy định về thời gian lái xe, tốc độ, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện của người lái xe kinh doanh vận tải, chở đúng số người quy định..., xử lý nghiêm vi phạm nếu phát hiện. Tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác quản lý tại các bến xe khách trên địa bàn tỉnh, kiểm tra điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải đối với các phương tiện vận tải hành khách, người lái phương tiện trước khi xuất bến; kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và các quy định của pháp luật khác có liên quan cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, các bến xe khách trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh, chú trọng việc thực hiện các quy định về thời gian lái xe, tốc độ... Tham mưu, đề xuất các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định. Thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin và kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Sở ban hành văn bản phối hợp với các Sở Giao thông vận tải có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh vận tải; tham mưu Sở ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị có liên quan nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải.
Sở Giao thông vận tải đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự an toàn giao thông, chú trọng xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các quy định pháp luật khác có liên quan. Xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: điều khiển xe vận chuyển hành khách mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, chất cấm; chạy quá tốc độ; chở quá số người quy định…
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cấp xã, phường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) trong việc thực hiện quy định về trật tự an toàn giao thông đối với các văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm trên địa bàn. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường phối hợp quản lý xe hợp đồng nơi đơn vị vận tải đặt trụ sở hoặc chi nhánh theo quy định tại khoản 8 Điều 7 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ. Chỉ đạo phòng chuyên môn, chính quyền cấp xã, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường phổ biến tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, tuyên truyền cho các chủ xe biết việc sử dụng xe cá nhân chưa đăng ký kinh doanh vận tải hoạt động “xe ké, xe ghép, hợp đồng” thu tiền hành khách là trái quy định của pháp luật. Yêu cầu lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe ô tô để kinh doanh vận tải nhưng chưa đăng ký kinh doanh, sử dụng xe ô tô chưa chuyển đổi biển số sang màu vàng, chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định của pháp luật để kinh doanh vận tải. Đề nghị lực lượng công an và ngành thông tin - truyền thông kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải thông qua hình thức lập nhóm trên Zalo, Facebook và các trang mạng xã hội khác.
Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô đối với các đơn vị, phương tiện được Sở cấp phù hiệu. Có biện pháp xử lý, thu hồi phù hiệu đối với phương tiện có thời gian hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Phước trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ: “Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe”./.