Chủ nhiệm đề tài thuyết trình tại buổi hội thảo
Theo ban chủ nhiệm, đề tài này được xây dựng dựa vào quy định tổng thời lượng môn học trong 3 năm, tương đương với 420 tiết học, dành cho 3 lớp cuối cấp học. Trọng tâm là rèn luyện kĩ năng thực hành, vận dụng sáng tạo giữa các kiểu văn bản đọc, viết, nói và nghe. Quan trọng hơn, đề tài vì mục đích hình thành và phát triển cho học sinh các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói tiếng S’Tiêng, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy và học tốt môn tiếng S’Tiêng.
Bên cạnh đó, cung cấp những kiến thức cần thiết về ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp tiếng S’Tiêng phục vụ rèn luyện kỹ năng và thực hành giao tiếp. Mở rộng hiểu biết về con người, cuộc sống, về văn hóa, văn học của dân tộc S'Tiêng. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc S'Tiêng; phát triển nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với 33 chữ cái tạo thành hệ thống bảng chữ cái tiếng S’Tiêng, đề tài cũng đã chỉ rõ kỹ năng nghe, đọc, nói, viết cho từng khối lớp học; phương pháp dạy học đặc thù đối với môn học này. Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cao với hệ thống ký hiệu ghi tiếng nói của người S’Tiêng đã được trình bày trong đề tài. Đồng thời, yêu cầu ban chủ nhiệm đề tài ghi nhận các ý kiến và bổ sung để môn học tiếng S’Tiêng được thể hiện đầy đủ, dễ hiểu nhất; quy định cụ thể thời gian giảng dạy ở từng khối lớp, cũng như phương pháp giảng dạy đạt hiệu quả cao nhất./.