Đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu ứng phó với từng trạng thái diễn biến của dịch

Thứ sáu - 27/08/2021 07:04

(CTTĐTBP) - Để chủ động các biện pháp ứng phó với các tình huống của dịch bệnh Covid-19 và hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến cung cầu, giá cả hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh xây dựng và triển khai phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu ứng phó với các tình huống và từng trạng thái diễn biến dịch bệnh Covid-19.

 
1
Theo Phương án 244/PA-UBND ngày 26/8 phê duyệt, nhu cầu tiêu thụ lương thực của toàn tỉnh trong 01 tháng bình quân gần 10.000 tấn gạo và khoảng 500.000 thùng mì gói. Các mặt hàng này được cung ứng bởi Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hùng Oanh, Co.op mart Đồng Xoài, Đồng Phú, Bách Hóa Xanh Bình Phước, Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại (SXTM) Phúc Thịnh, Công ty TNHH MTV SXTM Đại Đông, DNTN Tiến Tài và một số doanh nghiệp phân phối cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng lớn trên địa bàn tỉnh đảm nhiệm.

Nhóm thịt gia súc, gia cầm và thủy sản với nhu cầu tiêu thụ thịt thành phẩm toàn tỉnh trong 01 tháng khoảng 5.500 tấn. Sản lượng tại địa phương hiện nay đạt khoảng 7.996.299 tấn/năm. Các mặt hàng này được cung ứng bởi Co.op mart Đồng Xoài, Đồng Phú, Bách Hóa Xanh Bình Phước, Chi nhánh CP Bình Phước, Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Thanh An, Tân Hưng, tại các chợ truyền thống và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh đảm nhiệm.

Nhóm rau củ quả các loại, hiện tại sản lượng tại chỗ đạt hơn 100.000 tấn/năm, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của toàn tỉnh. Các mặt hàng này được cung ứng bởi HTX rau Tân Xuân, HTX Tân Thịnh Phát, Co.op mart Đồng Xoài, Đồng Phú, Bách Hóa Xanh Bình Phước, các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh và đầu mối cung cấp rau củ quả ngoài tỉnh.

Đối với nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng (đường, sữa, nước mắm, bột canh, bột ngọt, mì tôm; lương khô; dầu ăn; muối i ốt), hoàn toàn phải nhập từ các cơ sở chế biến trong nước. Hiện nay, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng tăng từ 20 - 30% so với thời điểm bình thường. Các mặt hàng này được các đơn vị, nhà phân phối: Co.op mart Đồng Xoài, Đồng Phú, Bách Hóa Xanh Bình Phước, Công ty TNHH MTV SXTM Phúc Thịnh, Công ty TNHH MTV SXTM Đại Đông, DNTN Tiến Tài và một số doanh nghiệp phân phối cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng lớn trên địa bàn tỉnh đảm nhiệm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 450 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, được bố trí đều khắp trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo cung ứng nhu cầu tiêu dùng xăng dầu bình quân 1 tháng trên địa bàn tỉnh khoảng 12.000m3.

Về khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), tổng nhu cầu tiêu dùng 1 tháng khoảng 3.000 tấn khí LPG. Mặt hàng này được cung ứng chủ yếu bởi các đơn vị kinh doanh trên địa bàn, bao gồm hệ thống đại lý của Chi nhánh Xăng dầu Bình Phước, Chi nhánh Sài Gòn Petro tại Bình Phước, Khí hóa lỏng miền Nam chi nhánh miền Đông, Công ty TNHH Tân Thái Dương và hệ thống hơn 500 cửa hàng kinh doanh khí LPG trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu nhân dân trên địa bàn.

Đối với điện, tổng nhu cầu tiêu dùng 1 tháng khoảng 238.700.670 Kw, do Công ty điện lực Bình Phước đảm bảo cung cấp liên tục, ổn định và an toàn.

Tại Phương án này, UBND tỉnh đã đưa ra kịch bản ứng phó với từng trạng thái diễn biến dịch ở cấp độ 4 (dịch bệnh lây lan trong cộng đồng 1.000 đến 3.000 trường hợp), cấp độ 5 (3.000 đến 30.000 và trên 30.000 trường hợp mắc Covid-19 trong tỉnh), nhiều khu vực bị phong tỏa nhằm chủ động trong việc đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trong và ngoài khu vực phong tỏa, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đảm bảo cho các hoạt động thương mại ổn định; ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, găm hàng, đầu cơ, tích trữ, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ” gồm: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng để có biện pháp điều hành nhằm đảm bảo đủ nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, kịp thời xử lý nghiêm, các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm; lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để thu gom hoặc tăng giá bất hợp lý đối với hàng hóa tiêu dùng thiết yếu./.

Tác giả: Nhật Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,038
  • Hôm nay81,849
  • Tháng hiện tại10,548,440
  • Tổng lượt truy cập455,943,562
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây