Các huyện vùng biên sẵn sàng cho năm học mới

Thứ hai - 04/09/2023 15:33

(CTTĐTBP) - Huyện biên giới Bù Đốp, Lộc Ninh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của các cấp, ngành và nỗ lực của ban giám hiệu, đội ngũ thầy cô giáo, các trường học trên địa bàn hai huyện đã từng bước khắc phục khó khăn sẵn sàng cho năm học mới đảm bảo cả về chất và lượng.

Đảm bảo cơ sở vật chất và nhân lực

Năm học 2023-2024, huyện Bù Đốp có 25 trường, 416 phòng học với 12.417 học sinh từ bậc mầm non đến THCS, tăng 374 học sinh so với năm học 2022-2023. Để chuẩn bị cho năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT huyện Bù Đốp đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất bằng các nguồn vốn ngân sách của tỉnh, huyện và vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, huyện đã đầu tư xây mới 3 trường học, trong đó Trường TH&THCS Phước Thiện với 24 phòng học đã được bàn giao và đưa vào sử dụng ngay từ đầu năm học. Trường mầm non Phước Thiện và tiểu học Thanh Bình B dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao trong học kỳ I năm học này.

Ngành giáo dục huyện Bù Đốp và Lộc Ninh vừa được đầu tư thêm cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy đảm bảo cho công tác dạy và học năm học mới 2023-2024

Về nhân lực, năm học 2023-2024, toàn huyện có 730 giáo viên và cán bộ quản lý. Huyện thiếu khoảng 40 giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để đảm bảo công tác dạy và học, Phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp đã chỉ đạo các trường tiểu học và THCS cân đối, điều tiết hỗ trợ giáo viên dạy Tin học, Tiếng Anh giữa các trường. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chuyên môn, vận động giáo viên 2 môn học này tăng số giờ, số tiết; vận động các giáo viên nghỉ hưu hợp đồng lại với trường để tiếp tục giảng dạy. Đồng thời hợp đồng với các giáo viên mới ra trường, hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên từ các trường khác về để đáp ứng yêu cầu kế hoạch năm học.

Thầy Trần Đình Trọng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp chia sẻ: “Huyện còn thiếu nhiều giáo viên môn Tin học và Tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, ngành giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường chủ động điều tiết giáo viên hỗ trợ nhau, đảm bảo công tác dạy và học trong năm học này”.

Còn tại huyện Lộc Ninh, năm học 2023-2024 toàn huyện có 46 trường công lập và 2 trường tư thục, 755 phòng học với hơn 24.500 học sinh từ bậc mầm non đến THCS. Trong năm 2023, ngành giáo dục đã được huyện đầu tư hơn 115 tỷ đồng, trong đó gần 15,7 tỷ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị và hơn 99,3 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, các phòng học xuống cấp cũng được ngành giáo dục huyện đầu tư duy tu, sửa chữa.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Ninh Phạm Như Công cho biết: “Với đặc thù là địa bàn biên giới, ngành giáo dục luôn được lãnh đạo tỉnh và huyện quan tâm, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, đến thời điểm này đã sẵn sàng đảm bảo cho ngày tựu trường, đón các em vào lớp”.

Đồng hành với học sinh

Các huyện biên giới của tỉnh có chung đặc điểm là địa bàn đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phần lớn điều kiện kinh tế khó khăn. Do đó, việc cho con em đi học, ít được các bậc phụ huynh quan tâm. Để các em được đến trường, đến lớp đông đủ, mỗi đầu năm học các trường phải thành lập tổ công tác phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương đi tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, học sinh đến tuổi đi học ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số năm nay đến lớp đạt tỷ lệ cao.

Ngoài tuyên truyền học sinh đến lớp, Trường TH&THCS Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh còn tích cực vận động sách vở hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn

Thầy Phạm Như Công, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Ninh chia sẻ thêm: “Hằng năm, ngành giáo dục huyện luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát các trường đến từng nhà tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp. Nếu không đi vận động, nhiều phụ huynh không cho con em mình đến lớp. Dù rất vất vả, nhưng làm công tác giáo dục, thầy cô giáo luôn mong muốn tất cả các em đều được đến trường. Qua công tác vận động, tỷ lệ học sinh đến lớp đạt 100%”.

Việc chăm lo, hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh cũng được ngành giáo dục và các trường quan tâm. Trường TH&THCS Lộc Hòa, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 60%, trong đó học sinh thuộc diện hộ nghèo khoảng gần 20%. Đầu năm học, nhà trường đã vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh được 320 bộ sách giáo khoa cùng 4.700 cuốn tập để tặng học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành và nỗ lực của các trường, năm học 2023-2024 tỷ lệ học sinh vùng biên, vùng dân tộc thiểu số đến lớp đạt 100%

Cô Hoàng Thị Ánh Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Lộc Hòa cho biết: “Ở các điểm trường vùng biên giới, điều kiện các em học sinh rất khó khăn, vì vậy ngoài công tác tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp, chúng tôi còn vận động sách vở cho các em. Đến thời điểm này, tất cả học sinh của trường đã đủ sách giáo khoa và đồ dùng học tập để bước vào năm học mới một cách tốt nhất”.

Dẫu còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng với sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và sự nỗ lực của các trường đã góp phần tiếp bước con em huyện biên giới đến trường. Một năm học mới bắt đầu, các em học sinh nơi biên giới đã sẵn sàng hành trình đi tìm tri thức cho một tương lai tươi sáng./.

Link: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/148154/binh-phuoc-cac-huyen-vung-bien-san-sang-cho-nam-hoc-moi

Tác giả: Theo Đài PT-TH&Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay360,884
  • Tháng hiện tại13,958,396
  • Tổng lượt truy cập459,353,518
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây