Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khảo sát dây chuyền chế biến mủ và sản xuất một số sản phẩm từ mủ cao su
tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Phú Riềng. - Ảnh: Chinhphu.vn
Tính đến ngày 31/3/2013, toàn tỉnh đã có 19 doanh nghiệp nhà nước thực hiện các hình thức sắp xếp, cổ phần hóa. Trong đó, cổ phần hóa 5 doanh nghiệp; chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 5 doanh nghiệp; giải thể 2 doanh nghiệp; sáp nhập, hợp nhất, chuyển thành đơn vị sự nghiệp 7 doanh nghiệp.
Sau khi được chuyển đổi, các doanh nghiệp, đơn vị đã cơ cấu vốn tập trung vào những ngành, lĩnh vực thuộc thế mạnh của tỉnh như chế biến, xuất khẩu hạt điều, cao su. Đồng thời, các doanh nghiệp, đơn vị có sự đổi mới trong tổ chức và quản lý, như việc áp dụng mô hình chủ tịch công ty kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, đơn vị được chuyển đổi, sau khi triển khai thực hiện thì quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được mở rộng, cơ chế quản lý được đổi mới với nhiều chủ sở hữu. Cùng với đó là việc gia tăng ngành nghề, quy mô sản xuất - kinh doanh và thu hút được một lượng vốn trong xã hội cùng tham gia vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp, đơn vị tạo được uy tín, thương hiệu với khách hàng và nâng sức cạnh tranh trên thương trường.
Doanh nghiệp, đơn vị lớn mạnh và hoạt động ổn định sẽ kéo theo công việc và thu nhập của người lao động được tăng lên; địa phương giảm bớt nỗi lo người lao động thất nghiệp, thu nhập thấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh gắn liền với nhiệm vụ an ninh – quốc phòng trong quản lý, phát triển và bảo vệ vốn rừng, thực hiện thành công nhiều dự án quan trọng… làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng thu ngân sách địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của các ngành chức năng, nhìn chung các doanh nghiệp còn chậm đổi mới, chưa thực sự chủ động trong tổ chức, quản lý vì chịu ảnh hưởng của cơ chế cũ và các cơ chế, chính sách mới còn thiếu, chưa hoàn thiện./.
Nhật Chiêu