(CTTĐTBP) - Ngày 25/10, tại Bình Phước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh và Quyền cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đồng chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Theo báo cáo của Cục Thú y, lũy kế từ năm 2016 đến nay, cả nước đã xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố. Hiện nay, cả nước có 2.210 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố với 4.125 lượt chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với 20 bệnh. Trong đó, có 1.687 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; 2.386 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh; 52 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.
Giai đoạn 2022-2030, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030. Trong đó, có hợp phần về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người giai đoạn 2022-2030, với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Tại Bình Phước, từ năm 2019, bắt đầu hình thành chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh để xuất khẩu của Công ty TNHH CPV Food. Chuỗi sản xuất từ nhà máy thức ăn, con giống, trang trại chăn nuôi gà thương phẩm, nhà máy giết mổ, chế biến sản phẩm xuất khẩu hình thành trên phạm vi 6 huyện, thị xã, thành phố (Đồng Xoài, Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long, Đồng Phú, Bù Đăng). Cuối năm 2020 đã có lô hàng đầu tiên xuất khẩu đi Hồng Kông - Trung Quốc, dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục xuất khẩu sang các nước khác. Trong năm 2021, Sở NN&PTNT cùng với Cục Thú y và một số doanh nghiệp khảo sát các vị trí đất thực hiện các dự án chăn nuôi heo an toàn để xuất khẩu, bước đầu hình thành chuỗi sản xuất thịt heo hướng tới xuất khẩu của Công ty Japfa.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, nhiều tham luận, thảo luận của các tỉnh, thành phố đã gợi mở nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề liên quan đến các quy định để mở hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong kiểm soát dịch bệnh, xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu
Dịp này, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đã trao giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle cho 6 huyện, thị xã, thành phố của Bình Phước (Đồng Xoài, Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long, Đồng Phú, Bù Đăng). Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước tặng bằng khen cho 5 tập thể, 11 cá nhân có nhiều thành tích trong kiểm soát dịch bệnh và xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của Cục Thú y trong kiểm soát dịch bệnh nói chung và xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu nói riêng. Thứ trưởng nhấn mạnh đến chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu là biện pháp phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa để hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học. Muốn vậy, các ngành, địa phương phải có các giải pháp, đề án triển khai thật đồng bộ. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải nhận thức đúng về chủ trương, chiến lược, đầu tư đúng mức để xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, nâng giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đánh giá cao tiềm năng của Bình Phước trong phát triển chăn nuôi. Đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Bình Phước trong kiểm soát dịch bệnh động vật và xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu trong thời gian qua./.