Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ sáu - 07/07/2023 09:57
(CTTĐTBP) - Ngày 7/7, tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh, UBND tỉnh Bình Phước phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội điều Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao giá trị ngành điều tỉnh Bình Phước”; tổ chức trưng bày giới thiệu các gian hàng thiết bị công nghệ (techmart) chuyên ngành điều năm 2023.
Bình Phước hiện là thủ phủ điều của cả nước, với diện tích trồng trên 152 ngàn ha, chiếm gần 50% diện tích cây điều của cả nước. Diện tích trồng điều của Bình Phước tập trung chủ yếu tại 4 vùng chuyên canh lớn thuộc các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú. Năng suất điều bình quân của tỉnh trong niên vụ 2022-2023 ước đạt 1,1 tấn/ha.
Những năm gần đây, sản xuất, chế biến ngành điều của tỉnh được chú trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức liên kết phù hợp với điều kiện sản xuất và nhu cầu của nông dân. Đơn cử như chuỗi điều hữu cơ có khoảng 3.007/152.007 ha, chiếm 1,98%; chuỗi liên kết sản xuất có 15 hợp tác xã với diện tích điều khoảng 4.867,3ha; chuỗi hợp tác vùng nguyên liệu với 8 doanh nghiệp tham gia đăng ký chỉ dẫn địa lý liên kết... Bình Phước là địa phương duy nhất trong cả nước được công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cây điều.
Bình Phước đã hình thành ngành công nghiệp chế biến hạt điều với 1.416 cơ sở, chiếm số lượng cơ sở chế biến hạt điều nhiều nhất cả nước với 33 doanh nghiệp quy mô vừa, 115 doanh nghiệp nhỏ, 1.254 doanh nghiệp siêu nhỏ. Chế biến hạt điều chính là ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh nhất của tỉnh, mỗi năm đóng góp từ 27 - 45% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hạt điều của tỉnh đạt 1,045 tỷ USD. Công nghiệp chế biến hạt điều đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn.
Sau chế biến, sản phẩm hạt điều của Bình Phước xuất đi trên 100 quốc gia trên thế giới như: Liên minh EU, Mỹ, Nhật, Úc, Trung Quốc..., chiếm khoảng 75% thị phần xuất khẩu của ngành điều thế giới, góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 80 ngàn lao động tại 1.416 cơ sở chế biến hạt điều và lao động thu hái tại vườn.
Thành công của ngành điều chính là có công nghệ chế biến hiện đại, máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ ưu việt, hiệu quả, giúp tăng năng suất, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu của khách hàng quốc tế. Nhờ có dây chuyền công nghệ liên tục đổi mới, các cơ sở đã hoàn thành hệ thống các tiêu chí để được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm như: BRC, ISO 22000, HACCP... Việc ứng dụng khoa học công nghệ giúp doanh nghiệp chế biến hạt điều gia tăng giá trị cho sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và góp phần tăng thu ngân sách, là đòn bẩy thúc đẩy ngành chế biến hạt điều của Bình Phước phát triển, góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành điều Bình Phước cũng gặp một số khó khăn, thách thức như: Cơ sở chế biến hạt điều của tỉnh chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, nguồn cung hạt điều thô của tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến của tỉnh, khoảng 70% nguyên liệu hạt điều thô phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ Indonesia, Campuchia, Châu Phi. Một số cơ sở chế biến hạt điều chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; chưa hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với cơ sở trồng điều nên nguồn nguyên liệu chưa ổn định, thiếu hụt nguyên liệu trong nước để chế biến... Sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất - chế biến - kinh doanh chưa chặt chẽ. Ngoài ra, còn nhiều cơ sở chế biến hạt điều ở quy mô siêu nhỏ, tiềm lực tài chính còn hạn chế.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức trên, tại hội thảo đã ghi nhận nhiều báo cáo tham luận, ý kiến, giải pháp của các chuyên gia, đơn vị về ngành điều. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều đã có tham luận về thành tựu nghiên cứu, tiềm năng phát triển cây điều ở Việt Nam và Bình Phước; Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tham luận về tiềm năng của sản phẩm chế biến từ quả điều Bình Phước theo định hướng không phụ phẩm; Công ty TNHH MTV Dịch vụ - Thương mại và Xuất nhập khẩu cơ khí Gia Bảo tham luận về công nghệ chế biến hạt điều: Thực trạng và giải pháp phát triển; tham luận của Hiệp hội Điều Việt Nam về một số thách thức và giải pháp để phát triển ngành điều Bình Phước; tham luận của Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước về thực trạng khai thác và giải pháp phát huy giá trị Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt điều Bình Phước; tham luận về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hạt điều Bình Phước với góc nhìn từ thực tiễn của Công ty TNHH Vinahe...
Từ đó có thể thấy, hội thảo lần này được tổ chức chính là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhà đầu tư và người tiêu dùng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về: Công nghệ mới trong chế biến, sản xuất điều và các sản phẩm mới chế biến từ hạt điều; giải pháp nâng cao giá trị các sản phẩm điều Bình Phước; giải pháp về khoa học và công nghệ nhằm khắc phục các bệnh thường gặp ở cây điều trong thời kỳ biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển thương hiệu điều Bình Phước ngày càng phát triển bền vững.
Bên cạnh nội dung chính về giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao giá trị ngành điều Bình Phước, trong khuôn khổ hội thảo, ban tổ chức còn giới thiệu các gian hàng techmart chuyên ngành điều với gần 90 gian hàng trưng bày về cây giống, quy trình trồng và chăm sóc cây điều; công nghệ thiết bị thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, chế biến hạt điều; công nghệ thiết bị sản xuất các chế phẩm điều, phụ trợ trồng và sản xuất; các sản phẩm từ điều, triển lãm ảnh, video giới thiệu về ngành điều...
Một số hình ảnh tại gian hàng trưng bày, giới thiệu techmart chuyên ngành điều tại hội thảo: