Ngành cao su phát triển mạnh mẽ, xứng danh “Phú Riềng đỏ”

Thứ hai - 28/10/2019 11:58
(CTTĐTBP) - Kỷ niệm 90 năm thành lập Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng và Ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 - 28/10/2019), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) phối hợp với tỉnh Bình Phước tổ chức hoạt động kỷ niệm ý nghĩa.
90 năm thành lập Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng và ngành cao su

Ngày 26/10, tại Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã diễn ra lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng - truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 - 28/10/2019). Tham dự buổi lễ, có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng; cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
 
3ptt tang huan chuong
Phó Thủ tướng Thường trực Trương hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Ban lãnh đạo VRG 
 
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã ôn lại truyền thống lãnh đạo của Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng trong những năm đấu tranh chống thực dân Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng, một trong ba chi bộ đầu tiên của Đảng ở Nam Kỳ đã lãnh đạo giai cấp công nhân đồn điền cao su bị áp bức bóc lột dã man đứng lên đấu tranh, buộc bọn tư sản Pháp ở Việt Nam phải ký vào biên bản chấp nhận những yêu sách của công nhân. Tiếng vang của “Phú Riềng đỏ” đã góp phần thúc đẩy phong trào công nhân Việt Nam lên một bước phát triển mới. Nối tiếp truyền thống cách mạng kiên cường trên mảnh đất đồn điền Phú Riềng năm xưa, các thế hệ hôm nay không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng với danh hiệu “Phú Riềng đỏ”.  

Cách đây hơn 100 năm, thực dân Pháp thành lập đồn điền Phú Riềng cùng với Dầu Tiếng là một trong hai đồn điền lớn của Công ty cao su Mít-Sơ-Lanh (Pháp) ra đời năm 1917. Bấy giờ, hầu hết công nhân của đồn điền Phú Riềng được mộ từ các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình... Họ là những thành phần khổ nhất xã hội bấy giờ, phải ký bán thân cho bọn chủ tây để lấy miếng cơm hằng ngày. Tại các đồn điền, công nhân phải lao động trong điều kiện khắc nghiệt, bị ngược đãi, được ví như "địa ngục trần gian" nên đã có nhiều lần nổi dậy đấu tranh.

Trước tình hình trên, ngày 28/10/1929, tại một bờ suối sau lưng Làng 3, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Nam Kỳ với tên gọi Chi bộ Phú Riềng ra đời. Đây cũng là Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Bình Phước và của ngành cao su Việt Nam. Chi bộ Phú Riềng lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng đạt hiệu quả hơn. Tiêu biểu cuộc đấu tranh mang tên "Phú Riềng đỏ" bắt đầu từ ngày mồng một Tết năm Canh Ngọ (tức ngày 30/1/1930) đến hết ngày 6/2/1930, do đồng chí Trần Tử Bình khởi xướng và lãnh đạo. Qua đó, đã tạo được tiếng vang lớn, thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân trong các đồn điền cao su, xưởng chế biến, nhà máy đóng tàu phát triển mạnh mẽ và rộng khắp.

Trùng tu mở rộng Tượng đài “Phú Riềng đỏ”

Hiện nay, đồn điền Phú Riềng nằm trọn trong Nông trường cao su Tân Thành thuộc Công ty cổ phần cao su Đồng Phú. Nơi thành lập Chi bộ Phú Riềng nằm tại ấp Làng 3, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Tại đây, chính quyền và ngành cao su đã xây dựng Tượng đài “Phú Riềng đỏ” và được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia năm 1999.
 
5khanh thanh khuon vien tuong dai phu rieng do
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước và VRG thực hiện nghi thức khánh thành khuôn viên tượng đại "Phú Riềng đỏ"
 
Nhân kỷ niệm 90 ngày thành lập, công trình được trùng tu mở rộng trên diện tích 0,8ha, gồm các hạng mục: Khuôn viên, khu vực lễ, nhà bia, nhà chờ, cổng chào… Tổng kinh phí xây dựng 5,5 tỷ đồng, do Công đoàn cao su Việt Nam vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động của ngành đóng góp.

Cách tượng đài Phú Riềng đỏ khoảng 700m là nơi kết nạp đảng viên đầu tiên của Chi bộ Phú Riềng cũng được dựng bia ghi dấu. Khu mộ phu đồn điền Phú Riềng nằm cách tượng đài không xa cũng được xây dựng hàng rào bảo vệ và hương khói thường xuyên. Tượng đài “Phú Riềng đỏ” cùng với Căn cứ Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết (Lộc Ninh), sóc Bom Bo (Bù Đăng), mộ tập thể 3.000 người (thị xã Bình Long)... là những "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của quân, dân cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng cho thế hệ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Ánh Tuyết - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Công ty cổ phần cao su Đồng Phú cho biết: Ngày 28/10 hàng năm, ngành cao su lấy làm ngày truyền thống. Cứ đến ngày này, lãnh đạo VRG, lãnh đạo các đơn vị trong ngành cùng về địa chỉ Phú Riềng dâng hương và ôn lại truyền thống đấu tranh của công nhân đồn điền Phú Riềng. Đến nay, Đảng bộ Công ty cổ phần cao su Đồng Phú có 14 chi, đảng bộ trực thuộc, 35 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, với 446 đảng viên.
 
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội
ptt truong hoa binh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ
 
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Lịch sử hình thành và phát triển của ngành cao su gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su đồn điền Phú Riềng, của Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, với nhiều thăng trầm biến đổi của lịch sử, xã hội, ngành cao su cũng từng bước phát triển.

Với diện tích khoảng một triệu ha, phân bố rộng khắp trên nhiều vùng miền của đất nước, từ Đông Nam Độ lên Tây Nguyên, ra Duyên hải miền Trung và miền núi phía Bắc. Nhờ đó, tạo được hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định an sinh xã hội vùng sâu, miền núi; góp phần giữ gìn quốc phòng - an ninh và chung tay cùng xây dựng nông thôn mới. Ngành cao su Việt Nam mở rộng phạm vi phát triển sang Lào và Campuchia theo chương trình thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, góp phần củng cố và thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa ba nước Đông Dương.

Ngành cao su Việt Nam đã vươn lên khẳng định vị thế trên trường quốc tế với sản lượng mỗi năm đạt trên một triệu tấn, xuất khẩu 1,56 triệu tấn cao su các loại, xếp thứ ba thế giới về xuất khẩu cao su, chỉ sau Thái Lan và Indonesia. Cao su thiên nhiên là mặt hàng nông sản lớn thứ năm về giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Riêng năm 2018, xuất khẩu mặt hàng cao su thiên nhiên đạt trị giá 2,1 tỷ USD.

Để vươn cao, vươn xa và bứt phá hơn nữa, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Ban lãnh đạo VRG cần xây dựng chiến lực phát triển ngành theo hướng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và phải có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, ngành cao su đầu tư mạnh vào nghiên cứu khoa học để nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm; tái cơ cấu các nguồn lực, đa dạng hóa sở hữu trong tập đoàn để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Tỉnh Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ cao su cả nước với tổng diện tích hơn 220.000 ha, chiếm 22% diện tích cao su toàn quốc, thuộc 7 công ty cao su nhà nước xen lẫn cao su tiểu điền. Các doanh nghiệp cao su nhà nước trên địa bàn tỉnh đóng góp khoảng 30 - 40% nguồn thu ngân sách cho tỉnh và giải quyết việc làm cho gần 24.000 lao động.       

Dịp này, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất cho VRG, Công đoàn cao su Việt Nam; 5 Huân chương Lao động hạng nhì, 9 Huân chương Lao động hạng ba cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2013 đến năm 2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc./.

Tác giả: Nhật Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,456
  • Hôm nay400,056
  • Tháng hiện tại10,224,318
  • Tổng lượt truy cập455,619,440
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây