Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ sáu - 17/03/2023 16:12
(CTTĐTBP) - Chiều 17/3, tại hội trường Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, đã diễn ra Hội nghị kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Trần Văn Mi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh); cùng đại diện lãnh đạo các hiệp hội và hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi cho biết, vùng Đông Nam Bộ với diện tích 23,6 ngàn km2, dân số hơn 18 triệu người, đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Hiện nay, toàn vùng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước, chiếm 41,1% tổng vốn FDI của cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.
Riêng tại Bình Phước có 15 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó 13 khu công nghiệp với diện tích 6.065ha, đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 68% và đến năm 2030 sẽ có tổng diện tích đất khu công nghiệp khoảng 10.000ha, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với những con số tích cực trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi tin tưởng rằng: Với những tiềm năng về công nghệ, tài chính, mạng lưới thị trường quốc tế, kỹ năng quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, một khi được kết hợp với lợi thế của tỉnh Bình Phước sẽ mang lại lợi ích to lớn, mở ra những cơ hội, tạo sự liên kết trong chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa và hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài cho tất cả các bên.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cũng cho rằng: Tại hội nghị ngày hôm nay, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ có những chia sẻ, đề xuất thật thiết thực và tập trung trao đổi vào 3 chủ đề chính. Đó là, tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành Đông Nam Bộ; tháo gỡ những khó khăn trong việc đưa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ lên kệ của các hệ thống siêu thị lớn; thúc đẩy kết nối hỗ trợ đầu tư nhằm thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các tỉnh, thành và khu vực trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có nhiều thảo luận, đóng góp ý kiến sôi nổi về các hạn chế, tiềm năng, giải pháp để tìm đầu ra cho các sản phẩm, đưa nguồn hàng chất lượng lên kệ siêu thị, mong muốn được mở rộng thị trường liên doanh, đầu tư giữa các tỉnh trong vùng...
Giải đáp một số thắc mắc liên quan, đại diện Công ty Sài Gòn Co.op chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp có sản phẩm độc đáo, đặc sản rất hay, thậm chí giá trị cao nhưng sản lượng ít, quy mô nhỏ nên khó đi vào chuỗi siêu thị lớn. Đồng thời, để nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã lên được kệ siêu thị còn đòi hỏi cả một quy trình sản xuất nghiêm ngặt và khâu giám sát chặt chẽ từ chất lượng, hình ảnh quảng bá... Do đó, điều này dẫn đến làm hạn chế nguồn hàng của nông sản Việt lên được kệ hàng của các siêu thị lớn.
Đại diện Công ty Sài Gòn Co.op cho biết thêm: Thực tế nông sản Việt rất đa dạng nhưng số lượng nông sản đạt chuẩn OCOP đi vào kệ trưng bày của chuỗi siêu thị còn rất hạn chế và phía Công ty định hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường mở rộng thêm nguồn hàng cho các nông sản đạt chuẩn OCOP, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông sản Việt, cũng như cho doanh nghiệp và hợp tác xã trong vùng.
Giải đáp những khó khăn trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng: Trong thời gian qua, việc tháo gỡ khó khăn cho nông sản Việt và đưa nông sản Việt lên hệ thống các siêu thị lớn đã làm nhiều, nhưng còn vướng mắc. Chính vì vậy, rất cần nhà nước, nhà phân phối và nhà sản xuất đều có trách nhiệm chung xây dựng giao thương, kết nối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Trong đó, trách nhiệm nhà phân phối rất quan trọng, bởi chỉ họ mới biết người tiêu dùng cần gì và hướng dẫn lại nhà sản xuất. Phía nhà nước phải có sự đầu tư về các vấn đề đào tạo, rèn luyện, huấn luyện những hộ nông dân bình thường từng bước đi lên. Tất cả các tỉnh xây dựng không gian, các kệ trưng bày sản phẩm địa phương, góp phần đưa sản phẩm địa phương về thành phố.
Bên lề hội nghị, còn diễn ra nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng miền, OCOP, sản phẩm xuất khẩu và có tiềm năng xuất khẩu; thông tin giới thiệu về các dự án mời gọi đầu tư của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ.
Trước đó, sáng cùng ngày, đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tại TP. Hồ Chí Minh đã có hoạt động khảo sát, tìm hiểu các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh Bình Phước tại Khu công Becamex - Bình Phước và Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico Chơn Thành./.