Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Thứ ba - 06/12/2022 14:07

(CTTĐTBP) - Tiếp tục chương trình hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII, sáng nay 6/12, hơn 20 ngàn cán bộ, đảng viên tại 320 điểm cầu trong tỉnh Bình Phước đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Trường Chính trị tỉnh.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Phước

 

Việt Nam cơ bản đạt các tiêu chí của nước công nghiệp vào năm 2030

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: CNH-HĐH là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những kết quả đạt được sau hơn 35 năm đổi mới, đặc biệt là giai đoạn 2011-2020 CNH, HĐH đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỷ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp và dịch vụ đạt 72,7% vào năm 2020, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình.

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành; tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thông minh phát triển chậm…

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Trong đó nhận thức, lý luận, mô hình, mục tiêu, tiêu chí về CNH, HĐH còn nhiều nội dung chưa rõ, chưa sát thực tiễn, còn chủ quan, duy ý chí; chưa có nghị quyết chuyên đề của Đảng về CNH, HĐH đất nước. Chưa xác định rõ trọng tâm ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hệ thống các tiêu chuẩn, định mức còn lạc hậu, không khuyến khích, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh báo cáo chuyên đề tại hội nghị

Xác định CNH, HĐH đất nước là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Với mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD.

 Đến năm 2030, đưa nước ta thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14-15% GDP… Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nghị quyết cũng đã đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó phải đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Trước mắt, giai đoạn 2021-2030, xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững. Nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải các-bon thấp. Cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Giai đoạn 2031-2045, tập trung nâng cao chất lượng CNH và đẩy mạnh HĐH toàn diện trên tất cả lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CNH, HĐH đất nước. Trong đó tiếp tục đẩy nhanh thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng có liên quan đến CNH, HĐH, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế. Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng. Xây dựng khung pháp luật cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số…

Ngoài ra, nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ, mục tiêu và các giải pháp về xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng. Đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho CNH, HĐH đất nước. Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy CNH, HĐH. Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy CNH, HĐH đất nước nhanh, bền vững. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước. Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong CNH, HĐH đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.

 

Từ điểm cầu Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Phước kết nối đến 203 điểm cầu của các chi, đảng bộ trực thuộc, với gần 3.500 cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ tham dự.
Việc kịp thời nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII giúp cấp ủy các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ nắm vững nội dung cơ bản, cốt lõi và những điểm mới trong các văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trên cơ sở đó chỉ đạo xây dựng chương trình hành động để triển khai các văn kiện cụ thể, thiết thực và hiệu quả.
Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Phúc Hậu ghi nhận, biểu dương những chi, đảng bộ tổ chức học tập nghiêm túc, tích cực và mong các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy.
Những cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ khối do đặc thù, điều kiện sản xuất, kinh doanh hoặc vì lý do khách quan khác chưa được tham gia học tập trực tuyến hội nghị do Trung ương tổ chức lần này, cấp ủy cơ sở phải có kế hoạch tổ chức cho học tập đầy đủ vào thời gian thích hợp.

N.T

Chiều nay 6/12, hội nghị tiếp tục với chuyên đề “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”./.

Tác giả: Đài PT-TH&BBP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,700
  • Hôm nay297,269
  • Tháng hiện tại13,894,781
  • Tổng lượt truy cập459,289,903
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây