Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh phát biểu tại hội nghị
Đó là một trong những ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh tại Hội nghị Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ với chủ đề: “Liên kết - Phát triển - Bền vững”, vừa diễn ra tại tỉnh Tây Ninh ngày 28/6.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết: Bình Phước là mảnh ghép quan trọng trong chuỗi giá trị và những sản phẩm du lịch phong phú của cả vùng, như chốn phồn hoa đô hội của TP. Hồ Chí Minh, bãi biển lộng gió của Bà Rịa - Vũng Tàu, hay không khí tâm linh của núi Bà Đen trên vùng đất Tây Ninh…
Để những mảnh đất riêng biệt, hay thế mạnh du lịch của từng địa phương trong vùng có thể tạo thành một bức tranh tổng thể rực rỡ, một cụm ngành có sức hút, có giá trị mang lại cho cả vùng và các địa phương khác, thì việc liên kết và hợp tác có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”.
Bảo vật Quốc gia “Đàn đá Lộc Hòa” (Lộc Ninh, Bình Phước) tham gia trưng bày tại hội nghị
Trả lời cho câu hỏi: “Cần làm gì để liên kết du lịch vùng Đông Nam bộ phát triển hiệu quả?”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đưa ra 5 kiến nghị, đề xuất tại hội nghị này.
Thứ nhất, việc đi lại giữa các điểm đến đóng vai trò rất quan trọng, cần kết nối giao thông trong vùng giúp rút ngắn thời gian di chuyển của du khách. Không chỉ đối với lĩnh vực du lịch, mà kết nối là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển chung của cả vùng, từng địa phương riêng lẻ không thể tự giải quyết được. Phải ưu tiên khơi thông điểm nghẽn này bằng việc xây dựng các tuyến giao thông trọng yếu, nhất là các tuyến kết nối TP. Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng và các tuyến đường huyết mạch cho vành đai phát triển của vùng, trải dài từ Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Các địa phương trong vùng cần phối hợp với nhau để triển khai bằng được các tuyến giao thông đã có trong quy hoạch. Nếu không cùng nhau giải quyết được điểm nghẽn chiến lược này thì mọi chuyện sẽ rất khó khăn.
Gian hàng trưng bày du lịch, ẩm thực của Bình Phước tại hội nghị
Thứ hai, mỗi địa phương cần có những sản phẩm du lịch đặc sắc bổ sung cho nhau nhằm tạo ra những chuỗi giá trị trong liên kết du lịch, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách. Từng địa phương có những thế mạnh và sản phẩm du lịch riêng có thể cùng nhau khai thác với lợi thế cộng hưởng, điều này sẽ tốt cho các bên và cho toàn vùng.
Thứ ba, tăng cường quảng bá du lịch vùng và đặc thù của từng nơi, thay vì quảng bá du lịch riêng của từng địa phương. Cùng với đó, các công ty du lịch, lữ hành cần thiết kế tour liên tỉnh trong vùng, thay vì chỉ đến một tỉnh, thành phố rồi về.
Các đồng chí: Huỳnh Thị Hằng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Trần Tuyết Minh trao đổi bên lề hội nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Thứ tư, thống nhất chung chính sách với các địa phương trong khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư du lịch, du lịch lữ hành theo chuỗi liên tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch hình thành một tổ chức liên kết chặt chẽ, ví như “Diễn đàn du lịch Đông Nam bộ”. Qua đó, việc liên kết, điều phối và hỗ trợ trong du lịch của vùng sẽ được thực hiện nhanh chóng, bài bản và thực chất. Các doanh nghiệp cần được đặt vào vị trí trung tâm trong việc phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành du lịch của cả vùng, “tính không biên giới” trong thị trường của các doanh nghiệp là một nhân tố quan trọng trong việc liên kết và phát triển lợi thế của toàn vùng.
Thứ năm, tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang quy mô vùng. Nếu một sự kiện lớn của một địa phương trong vùng được tổ chức cũng là sự kiện cần để các địa phương khác quảng bá, hỗ trợ, tham gia. Bởi liên kết phát triển du lịch không chỉ là kết nối, cộng gộp các điểm đến đặc sắc, đặc sản mà cần có quy hoạch, điều phối, phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên. Vì vậy, cần có nhạc trưởng để tạo sự liên kết, kết nối phát triển./.