Tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Trọng Nhân đã báo cáo tóm tắt tình hình công tác dân tộc và công tác dân vận đối với vùng đồng bào DTTS. Theo báo cáo, Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Nam bộ, có đường biên giới giáp Campuchia và giáp các tỉnh Tây Nguyên. Bình Phước có 41 thành phần dân tộc, sống đan xen nhau, chiếm 19,72% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc S’Tiêng có 87.727 người. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, vùng đồng bào DTTS đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng cải thiện và nâng cao.
Bình Phước quyết tâm tìm cho được mô hình hay, cách làm hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS để nhân rộng trong toàn tỉnh.
Trong những năm qua, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và nhà nước được tiếp tục đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Cụ thể như tỉnh đã xây dựng 20 công trình đường giao thông nông thôn; 7 công trình điện hạ thế; hỗ trợ đất sản xuất cho 292 hộ, nước sinh hoạt cho 1.197 hộ theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ đất sản xuất cho 592, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho 1.197 hộ theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mức vay bình quân 5 triệu đồng/hộ. Giải quyết việc làm cho 34.927 người đồng bào DTTS.
Về công tác xóa đói giảm nghèo, đến nay toàn tỉnh đã có 33/43 xã không còn là xã đặc biệt khó khăn, đời sống đồng bào được cải thiện. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn 3.497 hộ nghèo là đồng bào dân tộc, chiếm 48,16% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Cũng tại buổi làm việc, Tỉnh ủy Bình Phước đã kiến nghị với đoàn khảo sát nhiều nội dung quan trọng, đáng chú ý có nội dung đề xuất về chương trình mục tiêu đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2006-2020. Đối với nguồn vốn các chương trình mục tiêu trung ương hỗ trợ, đề nghị cấp đủ, đúng kế hoạch phê duyệt để tỉnh triển khai theo đúng nội dung, tiến độ công việc đã đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững trong vùng đồng bào. Cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích đầu tư, ưu tiên các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào vùng DTTS. Đề nghị Quốc hội có quy định cụ thể về tỷ lệ ngân sách nhà nước đầu tư hàng năm phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi…
Trao đổi với đoàn khảo sát, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng gắn việc xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS. Vấn đề quan trọng hơn là phải quyết tâm chuyển biến nhận thức phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm, tăng thu nhập bằng những mô hình cụ thể, phù hợp với điều kiện, tập quán, đặc thù địa phương trong vùng đồng bào. Bình Phước quyết tâm tìm cho được mô hình hay, cách làm hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS để nhân rộng trong toàn tỉnh.
Qua các nội dung trao đổi, ông Thào Xuân Sùng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh; đồng thời lưu ý tỉnh Bình Phước tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân ở vùng đồng bào DTTS bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Nghiên cứu triển khai cuộc vận động giúp đồng bào khắc phục những khó khăn, biết sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Bình Phước nên chọn bí thư chi bộ, trưởng thôn là người DTTS tại chỗ để cử đi tập huấn công tác dân vận. Tỉnh cần làm tốt công tác khen thưởng phù hợp với văn hóa đồng bào DTTS, trong đó quan tâm đến khen thưởng những hộ đồng bào thoát nghèo, biểu dương kịp thời gương điển hình mới trong cuộc sống có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Trước khi làm việc với Tỉnh ủy Bình Phước, đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương đã đi thực tế vùng đồng bào DTTS S’Tiêng ở các huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng, nhằm nắm tình hình công tác dân tộc đối với vùng đồng bào DTTS bản địa tại các địa phương này./.
Nguyễn Văn Việt