Việc ban hành kế hoạch nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW cua Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm.
Phát huy vai trò nòng cốt, xung kích, đi đầu của lực lượng Công an tỉnh trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa chủ động và tích cực đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi phạm tội.
Chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình, dự báo và triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật. Phấn đấu và kiềm chế kéo giảm ít nhất 05% số vụ phạm tội về trật tự xã hội, bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%.
Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố. Phấn đấu thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 60% trở lên. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào các mặt công tác. Không để hình thành các băng nhóm tội phạm nguy hiểm hoạt động lộng hành gây bức xúc trong Nhân dân; bảo đảm an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ... Truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố. Nâng cao chất lượng xét xử, tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%. Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Chuyển hóa thành công ít nhất 60% tổng số địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội được lựa chọn thực hiện; 85% các địa bàn đã chuyển hóa thành công không tái phức tạp trở lại.
Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách trong công tác phòng, chống tội phạm; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm “nêu gương”, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đơn vị, địa phương; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm.
Tăng cường khai thác, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển đổi tư duy, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác từ “truyền thống” sang phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên môi trường mạng. Nghiên cứu, khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06 của Chính phủ phục vụ công tác nghiệp vụ và các yêu cầu quản lý xã hội, phòng, chống tội phạm.
UBND tỉnh yêu cầu từng sở, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát tổng thể các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương quản lý. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng ngừa tội phạm.
Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền (nhất là sử dụng mạng internet, mạng xã hội) để Nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm hiệu quả, kịp thời. Phản ánh khách quan, toàn diện công tác phòng, chống tội phạm, đấu tranh mạnh mẽ, phản bác những quan điểm, tư tưởng sai trái, luận điệu xuyên tạc, thông tin không đúng sự thật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm.
Chủ động “nhận diện”, đấu tranh các nhóm tội phạm chưa xuất hiện, ít xuất hiện, xuất hiện thường xuyên, có nguy cơ diễn biến phức tạp và 03 loại thủ đoạn hoạt động của tội phạm để triển khai các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp, điều tra, xử lý tội phạm hiệu quả; rà soát, bổ sung điều chỉnh, triển khai quyết liệt các phương án, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội phù hợp đặc điểm tình hình, địa bàn, không để tội phạm hoạt động gây bức xúc dư luận xã hội.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tuân thủ nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, bảo đảm quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác chuyên hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; lồng ghép với nhiệm vụ xây dựng xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phường điển hình về bảo đảm trật tự đô thị, tạo chuyển biến từ cơ sở và rút kinh nghiệm nhân rộng sang các địa bàn khác. Trong đó xác định đúng, trúng địa bàn, thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển hóa, không để tái phức tạp trở lại đối với các địa bàn đã chuyển hóa đạt.