Ứng dụng hoạt động mã số, mã vạch vào sản phẩm, dịch vụ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa là giải pháp hiệu quả để tăng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn
Từ 3 chợ đầu mối, hàng hóa được đưa về 240 chợ truyền thống và gần 10.000 điểm bán lẻ để phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng. Đối với kênh phân phối hiện đại tại TP. Hồ Chí Minh gồm 212 siêu thị, 48 trung tâm thương mại và gần 2.500 cửa hàng tiện lợi, hàng hóa không thông qua 3 chợ đầu mối, chủ yếu được thu mua trực tiếp từ nhà sản xuất, tập trung về tổng kho để phân phối đến các cửa hàng, siêu thị.
Cũng theo Sở Công thương, Bình Phước tham gia truy xuất nguồn gốc, cung cấp hàng hóa vào TP. Hồ Chí Minh với 2 sản phẩm gồm thịt heo và thịt gà. Trong đó, đối với sản phẩm thịt heo, các trang trại nuôi heo chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh tham gia truy xuất nguồn gốc thông qua Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH thực phẩm CJ Vina, Công ty TNHH Japfa Commfeed Long An. Ngoài ra, có một số trang trại lớn trực tiếp tham gia vào truy xuất nguồn gốc với TP. Hồ Chí Minh không qua công ty trung gian như trang trại Phạm Thị Ngọc Loan, Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phước…
Đối với sản phẩm thịt gà, các trang trại nuôi gà chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Hớn Quản, Đồng Phú tham gia truy xuất nguồn gốc thông qua Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam. Ngoài ra, có Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Hùng Nhơn tham gia vào truy xuất nguồn gốc trực tiếp với TP. Hồ Chí Minh.
Các sản phẩm hàng nông sản của tỉnh chưa được liên kết tiêu thụ với kênh phân phối hiện đại của TP. Hồ Chí Minh thông qua truy xuất nguồn gốc do thiếu các điều kiện tiêu chuẩn sản phẩm và khả năng cung cấp sản phẩm. Vì vậy, việc định hướng và xây dựng các giải pháp hỗ trợ sản phẩm nông sản, thực phẩm Bình Phước tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn gắn truy xuất nguồn gốc với TP. Hồ Chí Minh là quan trọng và cấp thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nguồn tiêu thụ hàng hóa ổn định, giá cả hợp lý.
Để xây dựng tốt, vững mạnh chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh gắn với truy xuất nguồn gốc, Sở Công thương cho biết cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp. Cụ thể như hỗ trợ cung cấp và dự báo thông tin thị trường để giúp doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có phương án tổ chức trồng trọt, sản xuất hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thị trường. Các xã viên, hợp tác xã sản xuất thực hiện chuẩn hóa, nâng chất lượng hàng hóa tham gia chuỗi thông qua thực hiện sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP…; đầu tư cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc giúp đưa nông sản Việt vươn xa hơn, hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, thống nhất các tiêu chí gắn với từng ngành hàng với các kênh phân phối để đưa ra phương án sản xuất, chuẩn bị đạt hiệu quả./.