Tại Công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Trên cơ sở tính toán cân đối nguồn nước năm 2025, xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng có nguy bị hạn hán, thiếu nước để cảnh báo Nhân dân tổ chức sản xuất phù hợp; xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, ưu tiên phục vụ nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao khi xảy ra hạn hán (nếu có). Những khu vực thường xuyên thiếu nước trong mùa khô phải thực hiện các biện pháp tăng cường tích trữ nước ở các ao, hồ có sẵn; tu bổ, nạo vét kênh, mương, cống, bọng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước; xây dựng kế hoạch điều tiết, sử dụng nước tiết kiệm cụ thể cho từng nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Tăng cường thực hiện việc nạo vét kênh mương, cửa lấy nước, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước nhằm giảm thất thoát, lãng phí; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho Nhân dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước; đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Báo cáo tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định. Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán.
Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, thủy điện tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất mùa khô năm 2025; có phương án điều tiết nước cho hạ du theo hướng linh hoạt phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi; hướng dẫn các địa phương về mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với thời gian xả nước của các hồ chứa theo kế hoạch, không để kéo dài thời gian lấy nước. Rà soát, xác định các vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước để xây dựng phương án sử dụng nước đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra.
Giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thủy lợi Bình Phước, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Phước, các đơn vị quản lý hồ chứa và đơn vị quản lý công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh kiểm tra, lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng kịp thời các công trình thủy lợi do đơn vị mình quản lý, khai thác; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, cửa lấy nước đảm bảo cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích đã hợp đồng nhằm giảm thiểu tổn thất; kiểm tra, rà soát toàn bộ các diện tích tưới của từng khu vực tưới của công trình để có kế hoạch điều tiết nước cụ thể, hợp lý; thường xuyên theo dõi mực nước hồ, có kế hoạch vận hành công trình cụ thể, tránh tình trạng nước trong hồ bị cạn kiệt.
Kiểm tra tình hình hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt do đơn vị quản lý nhằm phát hiện kịp thời các hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp để đề xuất sửa chữa, nâng cấp kịp thời, có phương án vận hành công trình phù hợp đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, tránh thất thoát lãng phí.
Bên cạnh đó, yêu cầu các sở, ban, ngành khác chủ động chỉ đạo phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác phòng chống, khắc phục tình trạng hán hán, thiếu nước theo chức năng quản lý Nhà nước được phân công./.