Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cùng đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Phước
Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu tỉnh, thành trong cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: Công tác PBGDPL cần hướng tới nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của nhân dân.
Đây cũng là tiêu chí đánh giá kết quả công tác PBGDPL. Trong tổ chức thực hiện, cần lấy người dân làm trung tâm. Theo đó, nội dung PBGDPL cần đầy đủ, toàn diện, vừa bảo đảm cập nhật các văn bản mới ban hành, vừa giúp giải đáp được các vấn đề pháp luật cụ thể cần áp dụng trong đời sống và sản xuất, kinh doanh…
Theo đó, thời gian qua mặc dù công tác PBGDPL đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn có những hạn chế như: Phương thức, nội dung PBGDPL, việc sử dụng nguồn lực tài chính và huy động nguồn lực xã hội phục vụ công tác PBGDPL chưa thật hiệu quả. Sự phối hợp giữa công tác xây dựng pháp luật, PBGDPL và tổ chức thi hành pháp luật chưa chặt chẽ. Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế.
Do đó, ngày 20/6/2020, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Để tổ chức thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, ngày 6/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1521/QĐ-TTg nhằm xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tại hội nghị, các đại biểu biểu tập trung làm rõ một số nội dung cơ bản, những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới. Đồng thời, thảo luận những khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương trong công tác PBGDPL và đề xuất cơ chế tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, điều kiện tình hình thực tế; trao đổi, thảo luận để chia sẻ kinh nghiệm, phân tích, xác định các mô hình PBGDPL đang được triển khai hiệu quả tại bộ, ngành, địa phương; đề xuất, định hướng nghiên cứu nhân rộng để các bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo, áp dụng phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới./.