Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer

Thứ ba - 22/08/2023 16:22
(CTTĐTBP) - Theo Báo cáo số 285/BC-UBND ngày 18/8/2023 của UBND tỉnh, Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam Bộ. Dân số toàn tỉnh là 1.034.667 người, với 41 thành phần dân tộc, có 203.519 người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 19,67%. Trong đó, dân tộc Khmer có dân số xếp thứ 4 trong 40 thành phần DTTS với 21.239 người, chiếm 2,05% dân số toàn tỉnh và chiếm 10,43% dân số DTTS.

Hiện nay, các đồng bào DTTS sinh sống đan xen trên địa bàn tỉnh, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tập trung ở địa bàn miền núi, vùng xa, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái. Đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu ở 3 địa phương: huyện Lộc Ninh trên địa bàn các xã Lộc Khánh, Lộc Hưng, Lộc Thịnh, Lộc Quang, Lộc Thành; thị xã Chơn Thành trên địa bàn xã Nha Bích và thành phố Đồng Xoài trên địa bàn các phường Tân Xuân, Tân Thiện, Tân Bình. 

Đồng bào Khmer chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc được thực hiện tốt, việc tổ chức các ngày lễ, Tết của dân tộc luôn được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phối hợp tổ chức trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, an toàn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. 

Những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 nhưng đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Khmer của tỉnh nói riêng tương đối ổn định. Đa số đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, một bộ phận thực hiện kinh doanh, buôn bán nhỏ, làm công nhân trong các cụm, khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn. Một số hộ đã thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để vươn lên khá, giàu. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít hộ gia đình người dân tộc Khmer vẫn còn khó khăn, không có việc làm ổn định, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Bên cạnh đó, đời sống của đồng bào Khmer được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, tạo điều kiện đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc, không có sự phân biệt đối xử trong thực hiện các chủ trương, chính sách, dự án ở vùng dân tộc. Đồng bào dân tộc Khmer đoàn kết, tích cực lao động sản xuất để nâng cao đời sống, vật chất tinh thần thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương. 

Ngoài các chính sách dân tộc nói chung của cả nước, tỉnh Bình Phước còn cân đối, tập trung nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Cụ thể như: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1261-QĐ/TU ngày 28/2/2019 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào DTTS của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 168-KH/TU ngày 08/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao chỉ tiêu cụ thể xóa 1.000 hộ nghèo DTTS. Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách đặc thù, ưu tiên triển khai, thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án phát triển vùng DTTS nhằm phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào DTTS nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.

Về công tác giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo là đồng bào DTTS, trong đó có người Khmer, đã được tỉnh chú trọng, triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Qua 4 năm thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS (2019-2022), toàn tỉnh giảm được 5.198 hộ nghèo DTTS, đạt 129,8% chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra (mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS), đưa số hộ nghèo DTTS từ 4.545 hộ (đầu năm 2019) xuống còn 516 hộ vào cuối năm 2021 (áp dụng theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020).  

Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Nghị quyết HĐND tỉnh. Trên cơ sở Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1279/QĐ-UBND ngày 27/5/2011 của UBND tỉnh, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong giai đoạn 2016-2020 được tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Trong giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh đã đào tạo nghề 63.885 người, đạt 193,59% so với kế hoạch đề ra (33.000 người), trong đó người DTTS có bằng cấp, chứng chỉ là 8.652 người; giải quyết việc làm 205.083 người, đạt 115% so với kế hoạch đề ra (177.000 người), trong đó có 31.956 người DTTS.

Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia của trung ương và địa phương, các chính sách ưu đãi triển khai thực hiện kịp thời, đã giải quyết cơ bản các vấn đề về cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt tối thiểu; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tạo sự thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn. Hiện nay, toàn tỉnh có 73/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới (66 xã có quyết định công nhận, 7 xã đang hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận), trong đó có 38 xã vùng DTTS và miền núi. Các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, công tác an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Khmer được bảo tồn, phát huy… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng, củng cố thêm niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước./.

Tác giả: Ngọc Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,398
  • Hôm nay473,809
  • Tháng hiện tại17,425,113
  • Tổng lượt truy cập477,317,800
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây