Giai đoạn 2021-2025, ngành thông tin và truyền thông đẩy mạnh tăng tốc chuyển đổi số

Thứ ba - 12/01/2021 11:26
(CTTĐTBP) - Sáng 12/01, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020 và giai đoạn 2016-2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2021; Kế hoạch phát triển ngành TT&TT giai đoạn 2021-2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
TTG NXp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Bộ TT&TT
 
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Bình Phước, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành, đơn vị có liên quan tham dự hội nghị.

Chuyển đổi số đã lan tỏa đến mọi ngõ ngách của xã hội

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2020 nói riêng và giai đoạn 2016 - 2020 nói chung, toàn ngành đã tập trung thực hiện chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; ba đột phá chiến lược được tập trung chỉ đạo thực hiện tốt trong ngành và đã đạt được nhiều kết quả khả quan: Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại và rộng khắp; mạng lưới bưu chính, viễn thông phát triển nhanh chóng, vững chắc; công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước và đời sống xã hội.
 
BT Bo Thong tin removebg previewPhát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn đi song hành. Công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển đổi này. Ngành TT&TT chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ. Và đây cũng là cơ may hiếm có để ngành TT&TT định vị lại mình, nhìn rõ các thách thức và xác định đúng không gian sống mới đóng vai trò quyết định cho mọi sự phát triển. 

Đặc biệt, Chương trình chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam, đã lan tỏa đến mọi ngõ ngách của xã hội, từ trung ương đến địa phương. Báo chí đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh dòng chảy của xã hội Việt Nam, góp phần tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

5 năm qua, lĩnh vực bưu chính đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao (35%/năm), với tổng doanh thu đạt 56.500 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2016 (18.300 tỷ đồng). Tỷ lệ hộ gia đình kết nối Internet tăng gần 3 lần trong 5 năm qua, đạt 75%, cao hơn mức trung bình của thế giới 1,3 lần (57,4%). Trong năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước cao hơn cả 4 năm trước cộng lại, tăng hơn 20 lần so với năm 2016 (mức độ 4 chiếm 30,86% vào năm 2020 so với mức 1,42% năm 2016). Tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm, đạt hơn 120.000 tỷ đồng năm 2020, tăng gần 1,8 lần sau 5 năm. Tỷ lệ sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa năm 2020 tăng gần 7 lần, đạt gần 91% so với mức 13,6% năm 2016.
 

Điểm qua những kết quả của ngành TT&TT
 
Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí (năm 2016 có 859 cơ quan báo chí). Mạng xã hội Việt Nam (như Zalo, Mocha, Lotus, Gapo) không ngừng lớn mạnh, cạnh tranh với các mạng xã hội quốc tế, tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2016. Số lượng tài khoản người dùng đạt hơn 90,5 triệu.
 
Bình Phước tập trung ứng dụng công nghệ số

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh: Để thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia tại Bình Phước, lãnh đạo tỉnh đã xác định không áp dụng hàng loạt công nghệ lên mọi hoạt động của địa phương mà tập trung thực hiện ngay ở những lĩnh vực gắn bó thiết thân với cuộc sống người dân; sử dụng công nghệ làm công cụ để nâng cao lợi ích của người dân. Do đó, Bình Phước đã tập trung ứng dụng công nghệ số để tăng cường tương tác giữa người dân với chính quyền và cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân về cả vật chất lẫn tinh thần.
 
hop truc tuyen
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cùng các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Phước. Ảnh: Thanh Khoa

Trong năm 2020, tỉnh đã bố trí 1,55% ngân sách cho ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) và tổ chức mô hình điều hành thống nhất IOC tỉnh với IOC cấp huyện; thiết lập hệ thống camera an ninh giám sát giao thông và an ninh trật tự trên toàn tỉnh với 300 camera; thiết kế Supper app với tên gọi “Bình Phước Today” để người dân giao tiếp với chính quyền trên 1 tiện ích duy nhất…

Năm 2020, tỉnh có 1.577 thủ tục được sử dụng trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, chiếm 86,3%. Hệ thống camera giám sát giao thông và an ninh trật tự phát hiện và ghi nhận gần 12.800 trường hợp vi phạm, thu phạt 10,25 tỷ đồng. Số vụ tai nạn nghiêm trọng, các vụ việc mất an toàn, an ninh trật tự giảm đáng kể so với trước; người dân chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia góp ý chính quyền…

Tăng tốc chuyển đổi số toàn dân, toàn diện 

Tại hội nghị này, Bộ TT&TT đã triển khai Kế hoạch phát triển ngành TT&TT giai đoạn 2021-2025. 

Theo đó, Bộ TT&TT xác định bưu chính là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, là dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Tốc độ tăng trưởng 30-40% /năm, trở thành một trong các trụ cột của kinh tế số, phục vụ phát triển chính phủ số, xã hội số. Phát huy đầy đủ vai trò phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin theo hướng mở rộng dịch vụ phổ cập. Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ năm 2021 đạt 100%. Nền tảng mã địa chỉ Vpostcode gắn với bản đồ số hỗ trợ các hộ gia đình thúc đẩy thương mại điện tử. Xếp hạng phát triển bưu chính năm 2025: Top 45 thế giới.

Viễn thông là hạ tầng của nền kinh tế số. Hạ tầng số được đầu tư trước, đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới. Triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Việt Nam theo pha, đúng lộ trình. Mỗi người dân một điện thoại thông minh. Phổ cập điện thoại di động thông minh với mục tiêu tỷ lệ thuê bao băng rộng di động trên 100 dân năm 2021 đạt trên 80%, năm 2025 đạt 100%. Mỗi hộ gia đình một đường cáp quang. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang năm 2021 đạt 60%, năm 2025 đạt 80%. Ngay trong năm 2021, phấn đấu tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động hoặc Internet đạt 100%. Chuyển đổi Internet sang thế hệ mới IPv6, 100% các Bộ, Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 với mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn hệ thống CNTT, kết nối Internet sang IPv6 vào 2025. Xếp hạng phát triển viễn thông năm 2025: Top 50 thế giới.

Tăng tốc chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện, hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025 sớm trước thời hạn đặt ra. Cơ bản hoàn thành phát triển Chính phủ điện tử trong năm 2021 với việc hoàn thành 100% DVCTT mức độ 4 và 02 CSDL quốc gia lớn là dân cư và đất đai trong năm 2021. Phát triển Chính phủ số với mục tiêu cơ bản hoàn thành Chính phủ số vào năm 2025 với việc hoàn thành 100% hồ sơ thủ tục hành chính xử lý hoàn toàn trên môi trường số. Xếp hạng phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số năm 2025: Top 60 thế giới. Năm 2021, đo lường kinh tế số, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP năm 2021 đạt 12% và năm 2025 đạt 20%. Phấn đấu cùng Ngành Y tế, Ngành Giáo dục và đào tạo đạt mục tiêu các cơ sở khám chữa bệnh có bộ phận tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Thời lượng và tỷ lệ học trực tuyến năm 2021 đạt tối thiểu 20%, năm 2025 đạt tối thiểu 50%. Triển khai các nền tảng công nghệ số hỗ trợ cho nông nghiệp và nông dân, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

An toàn, an ninh mạng bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Tốc độ tăng trưởng 25-30% /năm. Phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam làm chủ 100% hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Tỷ lệ máy chủ, máy trạm và thiết bị đầu cuối của các cơ quan nhà nước được bảo vệ đạt 100%. Phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi về an toàn, an ninh mạng. Xếp hạng an toàn, an ninh mạng năm 2025: Top 30 thế giới.

Phát triển nền công nghiệp ICT Make in Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm cao gấp 2,5 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.Doanh nghiệp công nghệ số tăng trưởng 20-30% / năm. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân năm 2021 đạt 0,7 và năm 2025 cứ 1000 dân có 1 doanh nghiệp công nghệ số. Hình thành nền công nghiệp ICT quốc gia lưỡng dụng, vừa phục vụ quốc phòng - an ninh vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo chí thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo nên khát vọng Việt Nam hùng cường. Tỷ lệ người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận ít nhất một loại hình báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu năm 2021 đạt 95% và năm 2025 đạt 100%. Tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội Việt Nam so với nước ngoài năm 2021 là 0,83; năm 2025 là 1,22. Tỷ lệ bản sách bình quân đầu người năm 2021 đạt 4,5 và năm 2025 đạt từ 5 đến 5,5. Tỷ lệ sách xuất bản điện tử năm 2021 đạt 10%, năm 2025 đạt 15%. Tỷ lệ chuyển đổi số số cơ quan báo chí, PTTH hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện năm 2021 đạt 75%, năm 2025 đạt 90%./.

Tác giả: Hải Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay166,889
  • Tháng hiện tại1,516,017
  • Tổng lượt truy cập446,911,139
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây