Trong tháng 8/2020, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tăng mạnh
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khối lượng xuất khẩu cao su tháng 9/2020 của Việt Nam ước đạt 230 nghìn tấn với giá trị đạt 296 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 9 tháng đầu năm 2020 đạt 1,14 triệu tấn và 1,45 tỷ USD, tăng 2.4% về khối lượng nhưng giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2020 khoảng 1.275,9 USD/tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020, chiếm thị phần lần lượt là 74,6%, 4,2% và 2,3%.
Khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 9/2020 ước đạt 110 nghìn tấn, giá trị đạt 131 triệu USD; nâng khối lượng nhập khẩu cao su 9 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam lên 675 nghìn tấn và 888 triệu USD, tăng 34,6% về lượng và tăng 4,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 là Campuchia (20,4%), Hàn Quốc (16,5%) và Nhật Bản (11,5%).
Thị trường mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động trái chiều trong tháng 9/2020. Tại Bình Phước, giá thu mua mủ nước tăng 10 đồng/độ lên 270 đồng/độ, mủ cao su dạng thô tăng 1.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá mủ tại Đồng Nai ổn định ở mức 9.000 đồng/kg, sau khi giảm giá vào cuối tháng 8.
Trên thị trường thế giới, giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Osaka (OSE) giảm mạnh trong nửa đầu tháng 9 do giá dầu giảm, nhưng sau đó tăng trở lại sau khi Thủ tướng mới của Nhật Bản cam kết đưa ra các chính sách thúc đẩy nền kinh tế. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/9, giá cao su hợp đồng Benchmark kỳ hạn tháng 02/2021 chỉ đạt 176 yên/kg, giảm 20,7 yên (tương đương 11,8%) so với phiên ngày 1/9 và là mức thấp nhất trong 2 tuần. Đến cuối phiên giao dịch ngày 17/9, giá cao su hợp đồng Benchmark kỳ hạn tháng 2/2021 đạt 187,2 yên/kg, với mức tăng 11,2 yên (tương đương 6,4%) so với phiên ngày 9/9.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra một số nhận định và dự báo:
Thương mại cao su phục hồi: Báo cáo tháng 9/2020 của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho biết nhu cầu cao su toàn cầu có khả năng hồi phục trong quý III/2020 sau khi giảm sâu ở quý trước đó. ANRPC dự báo nhu cầu cao su thế giới quý III/2020 chỉ còn giảm 2,9%, sau khi giảm 14% trong 7 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 15% trong quý I/2020 do Trung Quốc, và giảm 15,8% trong quý II do nhu cầu của các nước khác ngoài Trung Quốc cũng giảm sút). Cơ sở để ANRPC lạc quan về triển vọng nhu cầu trong quý III/2020 là nền kinh tế Mỹ hồi phục nhanh, sản xuất của Trung Quốc tiếp tục hồi phục và tiêu thụ ô tô ở cả Trung Quốc và Ấn Độ đều phục hồi. ANRPC cũng dự báo sản lượng cao su tự nhiên thế giới có thể giảm 4,7% trong năm 2020 xuống còn 13,1 triệu tấn do đại dịch Covid-19 làm giảm mạnh nhu cầu và đẩy ngành cao su vào tình trạng khủng hoảng.
Giá cao su khả quan: Theo ANRPC, diễn biến thị trường trong ngắn hạn và trung hạn phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu và sự hồi sinh của ngành công nghiệp ô tô và vận tải. Thị trường cao su sẽ chịu tác động lớn từ việc vắc-xin chống Covid-19 khi nào sẽ có và hiệu quả sẽ như thế nào. Nhu cầu găng tay y tế tiếp tục gia tăng do đại dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su trên toàn cầu tăng (theo Hiệp hội cao su Thái Lan). Bên cạnh đó, các nhà máy tại Trung Quốc khôi phục sản xuất cũng tạo tâm lý lạc quan cho thị trường cao su. Triển vọng giá cao su thiên nhiên đang sáng dần lên, do dự báo nhu cầu găng tay cao su sẽ còn tăng trong khi nguồn cung cao su trên thế giới hạn hẹp.
Trên thị trường thế giới, trong tháng 8/2020, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tăng mạnh. Giá cao su tăng mạnh do thị trường lo ngại tình trạng thiếu nhân lực khai thác mủ cao su sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung; thông tin tích cực từ thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau nhiều tuần căng thẳng. Trước những diễn biến tích cực từ thị trường, đặc biệt là dự báo về nhu cầu cao su thế giới tháng 9/2020 tiếp tục tăng sẽ thúc đẩy giá cao su thiên nhiên thế giới tăng lên, trong đó có giá cao su xuất khẩu của Việt Nam./.