Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian gần đây, tình trạng lợi dụng nhu cầu đi xuất khẩu lao động để lừa đảo đang diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường sử dụng những lời quảng cáo hấp dẫn như "visa bao đậu", "chi phí thấp" để dụ dỗ người lao động, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã liên tiếp có cảnh báo về việc lợi dụng nhu cầu ra nước ngoài làm việc của người lao động, nhiều tổ chức, cá nhân đã lôi kéo, dụ dỗ di cư trái phép sang nước khác lao động.
Để tránh bẫy lừa đảo từ các đối tượng, người lao động cần biết lựa chọn một công ty dịch vụ uy tín, có giấy phép của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Người lao động cần tìm hiểu rõ về công ty sẽ hỗ trợ người lao động ra nước ngoài làm việc như tìm hiểu về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, giấy phép hoạt động… trước khi thực hiện ký hợp đồng dịch vụ với công ty đó.
Hoặc khi người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động, có thể liên hệ, tìm kiếm thông tin ở một số địa chỉ uy tín, an toàn sau: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương (thuộc UBND cấp quận, huyện); các trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); website của Trung tâm Lao động ngoài nước; website của Cục Quản lý lao động ngoài nước; website của Chính phủ và Đại sứ quán nước đến; hội liên hiệp phụ nữ tại địa phương.
Trên thực tế, hiện đang có nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là từ các chương trình mục tiêu quốc gia cũng hỗ trợ tận tay người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài như hỗ trợ về học phí đào tạo nghề, ngoại ngữ nhằm bồi dưỡng những kiến thức cần thiết cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo.
Trong khi đó, việc lựa chọn bằng con đường đi “tắt” để sang nước ngoài thì người lao động sẽ không được hưởng những chính sách này, thậm chí còn gặp nhiều rủi ro bị lừa đảo để rồi rơi vào hoàn cảnh “tiền mất, nợ mang”. Do đó, người lao động cần có sự cảnh giác trước những thông tin lợi dụng của kẻ xấu./.