Sinh ra trong một gia đình đông anh em, nên năm 1981, khi đang là sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, Hoàng Văn Toán đã phải bỏ học giữa chừng về quê lấy vợ, giúp đỡ gia đình.
Mặc dù cuộc sống thường ngày rất vất vả, nhưng hễ có thời gian rảnh rỗi là ông Toán lại tìm kiếm sách vở tự học với mục đích tăng thêm sự hiểu biết cho bản thân, đồng thời cũng có thêm kiến thức dạy dỗ con cái.
Ông Toán trở thành tân sinh viên lớn tuổi nhất của Trường ĐH Hồng Đức - Ảnh: Ngọc Minh
|
Mặc dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng ông vẫn dồn lực để các con ăn học bằng người.
Cũng may cả ba đứa con ông đều sáng dạ học hành thông minh, thi đâu đỗ đó. Ngặt nỗi cậu con trai cả của ông Toán là Hoàng Văn Tĩnh lại học hành dở dang. Tĩnh đã từng thi đỗ và theo học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Quân y. Nhưng cứ học được một đến hai học kỳ Tĩnh lại bỏ học về quê, sang năm lại thi trường khác…
Buồn vì chuyện học hành dang dở của người con trai cả, ông Toán quyết tâm tìm hiểu thì được biết, mặc dù học rất giỏi các môn tự nhiên, nhưng Tĩnh lại học rất kém các môn xã hội. Vì vậy khi học đại học, Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn khi phải học và thi hết các môn liên quan đến xã hội. Thi học phần không qua, Tĩnh đã chán nản bỏ học giữa chừng.
Không muốn con trai phải học hành dang dở như mình, ông Toán động viên con ôn thi để thi lại vào Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa).
Để khuyến khích cậu con trai, ông đã quyết định tự ôn các môn thi khối C, tham gia kỳ thi tuyển sinh cùng con trai, mặc dù bản thân ông từng học rất giỏi các môn thi khối A. Vậy nên, khi con trai đăng ký thi vào ngành Sư phạm toán (khối A), thì ông Toán đăng ký thi vào ngành Sư phạm lịch sử (khối C).
“Tôi quyết thi khối C để cho cháu hiểu rằng bất kể môn học nào nếu mình chịu khó, kiên trì sẽ học tốt. Thêm vào đó, tôi muốn cùng đi thi, đi học để có nhiều thời gian sát sao, động viên cháu kiên nhẫn học cho xong tấm bằng đại học, chứ không thể cứ bỏ giữa chừng mãi được...”, ông Toán nói.
Kể chuyện hôm đi thi, ông Toán cười hiền: “Lúc tôi vào trường thi, các cháu sinh viên tình nguyện, rồi các anh công an, bảo vệ đều ngăn không cho vào vì họ nghĩ tôi là phụ huynh. Khi tôi đưa giấy báo thi, kèm theo chứng minh thư, họ mới tin và cho tôi vào khu vực thi. Nói thật lúc ngồi trong phòng thi, tôi cũng ngại lắm vì nhiều ánh mắt từ giám thị cho đến các cháu thí sinh đều đổ về phía mình như người ngoài hành tinh. Nhưng nghĩ đến con, nghĩ đến những ngày từng ngồi trên giảng đường đại học, tôi đã quyết tâm làm bài thật tốt để động viên con…”.
Với kết quả thi đạt 22 điểm và chắc chắn đỗ vào Trường ĐH Hồng Đức, ông Toán hết sức vui mừng. Niềm vui của ông còn được nhân lên nhiều lần khi cậu con trai cũng đỗ vào Trường ĐH Hồng Đức với thành tích 22,5 điểm.
Hai cha con ông giờ đang chờ giấy báo nhập học và sẵn sàng cho hành trình trở lại giảng đường đại học mà cả hai đã từng dang dở…
Được biết, mặc dù không có bằng cấp sư phạm, nhưng nhờ có kiến thức tự học, nên từ nhiều năm nay, ông Toán đã trở thành “gia sư” cho không ít con em trong xóm. Nhiều cháu nhờ ông dạy kèm đã thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ giờ đã ra trường có công ăn việc làm ổn định. Ông Toán trở thành tấm gương ham học hỏi trong làng, trong xã khiến nhiều người hết sức khâm phục…
Theo Thanh Niên