Tăng tốc thanh toán số

Thứ hai - 08/05/2023 07:48

(CTTĐTBP) - Với sự phát triển của các loại hình dịch vụ ngân hàng số, ví điện tử…, việc thanh toán thông qua các kênh trực tuyến, quét mã QR trở nên dễ dàng, thuận tiện. Xu hướng người dân thanh toán hóa đơn hay mua sắm, trả tiền các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà trên tay chỉ cầm chiếc điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến. Điều này góp phần thúc đẩy các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt trở nên sôi động trên địa bàn tỉnh.

Thích ứng nhanh với thanh toán không chạm

Nhiều năm kinh doanh các mặt hàng sơn nước tại thành phố Đồng Xoài, mặc dù không trực tiếp quản lý cửa hàng nhưng anh Trần Thanh Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng Hải Hà miền Nam, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài vẫn kiểm soát được các giao dịch hằng ngày qua phần mềm quản lý bán hàng, kênh thanh toán tuyến.

Anh Lâm cho biết, trước đây hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ rất nhỏ, tuy nhiên, từ những tiện ích, sự thuận tiện mà vài năm trở lại đây lượng khách hàng lựa chọn thanh toán điện tử đã tăng đáng kể. Tại cửa hàng, cứ 10 khách thì 7 người lựa chọn thanh toán theo hình thức chuyển khoản. “Thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều tiện ích với cả người mua và người bán. Đi đâu tôi vẫn có thể kiểm soát hoạt động kinh doanh của cửa hàng, không phải chuẩn bị tiền tại quầy và kiểm soát tốt doanh thu” - anh Lâm khẳng định.

 

Anh Trần Thanh Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần TM-DV-XD Hải Hà miền Nam, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài kiểm soát được các giao dịch hằng ngày qua phần mềm về quản lý bán hàng và kênh thanh toán trực tuyến

Chọn mua hàng và chỉ cần quét mã QR đã được in sẵn tại quầy, việc thanh toán của chị Đặng Thị Nga, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài chỉ diễn ra trong chốc lát. “Không cần trả tiền mặt, tôi thấy cả chủ cửa hàng và khách hàng đều thuận tiện. Mình trả đúng số tiền mà không lo thừa, thiếu. Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, tôi đã thay đổi cách mua sắm không cần tiền mặt và đã quen dần với phương thức thanh toán hiện đại này” - chị Nga vui vẻ nói.

Để thuận tiện trong quản lý doanh thu, Cửa hàng Honda Bình Phúc (TP. Đồng Xoài) khuyến khích khách hàng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch

Nếu trước đây, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt chỉ được thực hiện tại các đơn vị kinh doanh lớn như siêu thị, trung tâm mua sắm… thì nay, phương thức này diễn ra rất sôi động ở hầu hết các dịch vụ mua sắm từ món tiền nhỏ đến lớn. Tại cửa hàng Honda Bình Phúc, phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài, nhằm khuyến khích khách hàng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch, cửa hàng đã đẩy mạnh phối hợp với các ngân hàng, nhà mạng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. “Điều này không chỉ giúp cửa hàng luân chuyển nguồn vốn nhanh hơn, giao dịch an toàn, giảm chi phí quản lý, kiểm đếm mà còn giúp quá trình thanh toán của người dân diễn ra nhanh chóng, tiện lợi. Cửa hàng cũng tăng cường truyền thông, hướng dẫn khách hàng sử dụng các kênh thanh toán trực tuyến, áp dụng nhiều chương trình ưu đãi để khuyến khích khách hàng sử dụng các kênh thanh toán số” - chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, nhân viên thu ngân - dịch vụ cửa hàng nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp kích cầu thanh toán số

Triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia và đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, ngành giáo dục và đào tạo là đơn vị đi đầu trong thực hiện thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Năm học 2022-2023, ngành giáo dục Bình Phước đã triển khai phương thức thu học phí không dùng tiền mặt cho tất cả trường trong tỉnh. Đến nay, hầu hết các trường, ngay cả những trường ở vùng sâu, vùng xa đều đã triển khai 100% thanh toán không dùng tiền mặt và lợi ích mang lại cho cả nhà trường lẫn gia đình học sinh là điều thấy rõ. Cô Phan Thị Hoài Ân, giáo viên Trường THCS Tân Phú, huyện Đồng Phú dẫn chứng: “Đầu năm, trường triển khai thu 6 loại quỹ, nếu nộp tiền mặt thì giáo viên phải giải thích cho phụ huynh từng khoản nhưng khi đóng qua app phụ huynh chỉ cần tích vào từng khoản là hiển thị thông tin đầy đủ”.

Việc thay đổi thói quen đóng học phí không chỉ đem lại thuận lợi, giúp trường giảm bớt áp lực về nhân sự và thời gian sau mỗi đợt thu học phí mà giáo viên chủ nhiệm cũng giảm bớt áp lực, có thời gian dành cho công tác giảng dạy. Đồng thời, giúp trường chủ động nguồn tiền, tăng hiệu quả quản lý tài chính đối với các khoản thu, chi học phí.

Cô PHAN THỊ HOÀI ÂN, giáo viên Trường THCS Tân Phú, huyện Đồng Phú

Thanh toán không dùng tiền mặt được người dân tin dùng là do mức độ bảo mật và an toàn ngày càng cao nhờ công nghệ của các nhà cung ứng dịch vụ. Các hệ sinh thái tài chính số cho phép người dùng thực hiện mọi giao dịch chuyển, nạp, rút tiền, thanh toán và mua bán trực tuyến an toàn, nhanh chóng, dễ dàng. Cùng với giải pháp của các nhà cung cấp dịch vụ thì sự chủ động của người dân đã góp phần thúc đẩy kênh tiêu dùng số, dịch vụ số phát triển nhanh hơn.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang diễn ra rất sôi động ở hầu hết dịch vụ mua sắm từ món tiền nhỏ đến lớn

Anh Nguyễn Văn Hanh, Phó Giám đốc Dịch vụ số và Thương mại điện tử chi nhánh Bưu chính Viettel Bình Phước cho biết: Số lượng điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money đã tăng đáng kể và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay nhờ triển khai linh hoạt các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học, chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, chúng tôi cũng đồng hành với chính quyền, doanh nghiệp, người dân đẩy nhanh hoạt động thanh toán số trên dịch vụ công, giáo dục, y tế, thanh toán điện, nước, viễn thông… và tiếp tục mở rộng các điểm nạp/rút tiền, điểm chấp nhận thanh toán để người dân dễ tiếp cận dịch vụ.

Bằng nhiều giải pháp kích cầu thanh toán số, thanh toán qua mã QR, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, Viettel Money, VNPT Money… đã trở thành thói quen hiện đại của nhiều người dân Bình Phước từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là khách hàng trẻ. Nếu trước đây, người dân luôn phải mang theo nhiều tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì hiện nay chỉ với thẻ ATM hay điện thoại di động sẽ thanh toán mọi dịch vụ. Các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng và cả người bán hàng tại chợ truyền thống đã dần chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Với xu thế này, năm nay sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi người dân đang ngày càng trở nên quen thuộc hơn với hình thức thanh toán chỉ qua một cú chạm./.

Tác giả: Theo Đài PT-TH&Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,314
  • Hôm nay846,023
  • Tháng hiện tại17,797,327
  • Tổng lượt truy cập477,690,014
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây