(CTTĐTBP) - Ngày 13/10/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 319/KH-UBND về phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2023-2025.
Việc phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng) băng rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời, cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra trong Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, phủ sóng 5G, mỗi người một máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường internet cáp quang, nền tảng điện toán đám mây, nền tảng danh tính số và các nền tảng về phần mềm, mạng vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, an toàn, an ninh mạng để cung cấp như một dịch vụ. Hạ tầng số được phát triển với tốc độ cao, băng thông rộng, an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển của chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp.
Mục tiêu đến năm 2025, về mạng viễn thông băng rộng di động phấn đấu số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 100/100 dân. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 100%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 100%. Tốc độ băng rộng di động (tốc độ tải xuống theo i-Speed) đạt 70 Mbps. Tỷ lệ thôn, ấp được phủ sóng di động băng rộng đạt 100%. Tỷ lệ dùng chung vị trí Trạm thu phát sóng di động (BTS) đạt 25%.
Mạng viễn thông băng rộng cố định phấn đấu số thuê bao băng rộng cố định/100 dân đạt 60/100 dân. Tỷ lệ phần trăm hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng cáp quang đạt 100%. Tốc độ băng rộng cố định (tốc độ tải xuống theo i-Speed) đạt 95 Mbps. Tỷ lệ thôn, ấp được phủ băng rộng cố định (cáp quang FTTH) đạt 100%.
Hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây phấn đấu tỷ lệ hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây đạt 100%. Trung bình mỗi người dân có 01 tài khoản sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
Về hạ tầng công nghệ số, phát triển ứng dụng công nghệ AI, blockchain, IoT hỗ trợ hiệu quả cho chương trình chuyển đổi số tỉnh, phát triển kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quản trị số địa phương và năng lực quản trị. Xây dựng và thiết lập hệ thống tiêu chuẩn AI, blockchain, IoT tạo ra một hạ tầng công nghệ số an toàn, có thể kiểm soát và phù hợp với yêu cầu của tỉnh. Tổ chức nhóm các chuyên gia hỗ trợ sự phát triển công nghệ AI, blockchain, IoT cho tỉnh.
Về nền tảng số có tính chất hạ tầng phấn đấu 100% cơ quan, tổ chức nhà nước và 50% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số có tính chất hạ tầng.
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, và địa phương triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số; ưu tiên phát triển hạ tầng số; huy động nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện; bảo đảm an toàn hạ tầng số, an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng; triển khai bộ tiêu chí đo lường, quản lý, giám sát hạ tầng số theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số./.