Bài viết của Tiến sĩ Trần Quốc Hoàn - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước sẽ góp phần làm rõ nhận định trên.
Nghiên cứu cơ sở dữ liệu thổ nhưỡng là rất cần thiết
Đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, gắn liền với sản xuất nông - lâm nghiệp, là một trong những tiền đề căn bản để phát triển KT-XH của mỗi địa phương, là nguồn tài nguyên thiên nhiên được hình thành và phát triển dưới tác động của các yếu tố: Đá mẹ, mẫu chất, khí hậu, sinh vật và thời gian. Nguồn tài nguyên này cũng có sự biến đổi liên tục bởi sự biến đổi của khí hậu và những tác động của con người trong hoạt động sản xuất. Sự biến đổi này có thể theo chiều hướng phát triển hoặc theo chiều hướng suy thoái. Trong thực tiễn sản xuất nông - lâm nghiệp, phần lớn tài nguyên đất đã và đang diễn ra theo chiều hướng suy thoái, nên tiềm năng sản xuất của đất có xu hướng giảm dần.
Để phát triển bền vững sản xuất nông - lâm nghiệp góp phần phát triển bền vững KT-XH của tỉnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, liên tục của ngành nông - lâm nghiệp là bảo vệ, cải thiện được tiềm năng sản xuất nông - lâm nghiệp của đất. Trong đó, trước hết phải nắm rõ được số lượng, đặc điểm và chất lượng của mỗi loại đất của tỉnh một cách có hệ thống (cơ sở dữ liệu về thổ nhưỡng của tỉnh). Mặt khác, khai thác ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả sản xuất theo định hướng chung của cả nước đã được ngành nông nghiệp xác định là nhiệm vụ có tính chiến lược.
Hiện nay, Bình Phước đã có số liệu về thổ nhưỡng tương đối phong phú nhưng còn phân tán, chưa hệ thống, chưa được khai thác sử dụng phổ biến. Do đó, khai thác sử dụng tài nguyên đất vẫn còn những hạn chế nhất định. Để góp phần bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên đất phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững KT-XH của tỉnh, việc nghiên cứu phát triển ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu và tra cứu đặc điểm thổ nhưỡng tỉnh Bình Phước là rất cần thiết.
Hệ thống cơ sở dữ liệu thổ nhưỡng
Hệ thống cơ sở dữ liệu thổ nhưỡng tỉnh Bình Phước gồm nhiều hợp phần, trong đó bản đồ đất và bản đồ phẫu diện đất được kế thừa từ kết quả nghiên cứu "Phân vùng lập địa phục vụ cho sản xuất lâm nghiệp tỉnh Bình Phước". Nghiên cứu này chuẩn hóa, bổ sung các thông tin về đơn vị hành chính, bảng mô tả phẫu diện, ảnh phẫu diện.
Tra cứu đặc điểm thổ nhưỡng theo phẫu diện
Mỗi bảng mô tả một phẫu diện được biên tập thành một file có định dạng “.doc” và tên file được mã hóa theo mã hóa của phẫu diện đó. Mỗi ảnh hình thái của một phẫu diện được biên tập thành một file có định dạng “.jpg”. Mỗi loại đất có một file định dạng “.doc” mô tả tính chất thổ nhưỡng của loại đất đó và tên file được mã hóa theo tên loại đất. Bảng tổng hợp một số tính chất lý, hóa cơ bản của các loại đất trên địa bàn tỉnh được biên tập thành file có định dạng “.doc”.
Xây dựng quy trình phát triển ứng dụng
Ứng dụng được phát triển tuần tự theo dạng xoắn ốc, gồm các nội dung:
Xây dựng ý tưởng: Ý tưởng được hình thành từ điều kiện thực tế cũng như yêu cầu đối với công tác quản lý, sử dụng và nghiên cứu tài nguyên đất của tỉnh.
Thảo luận với các chuyên gia lập địa, thổ nhưỡng, hệ thống thông tin địa lý, lâm học về ý tưởng của ứng dụng, hoàn chỉnh ý tưởng và phác thảo ý tưởng thành sơ đồ chức năng của ứng dụng.
Thiết kế các module chức năng: Tùy theo chức năng của module để lập trình bằng ngôn ngữ C# và MapBasic. Thuật toán và các hàm được sử dụng nhiều trong những module này là truy vấn theo điều kiện, loại trừ đối tượng lặp, vẽ đối tượng dạng đường; chuyển định dạng dữ liệu, nhân, chia, làm tròn số. Module được thiết kế có tính tự động hóa cao và dễ sử dụng. Mỗi module thực hiện một hoặc một nhóm chức năng nào đó.
Kết nối các module chức năng: Các module chức năng được kết nối với nhau theo sơ đồ tổng thể để tạo nên ứng dụng.
Tổng hợp diện tích mỗi loại đất theo huyện
Chạy thử nghiệm, đánh giá, đóng gói, cài đặt: Chạy thử nghiệm ứng dụng, phát hiện và điều chỉnh lại ứng dụng cho đến khi đạt mục tiêu đề ra. Tạo file “exe” cho phần mềm và cài đặt độc lập trên các máy tính cá nhân khác.
Từ quy trình phát triển ứng dụng, tác giả cho biết đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thổ nhưỡng tỉnh Bình Phước tương đối đa dạng, đồng bộ và có tính logic; đã phát triển công cụ truy xuất bản đồ bằng ngôn ngữ MapBasic, tích hợp với menu chính của Mapinfo. Đồng thời, đã phát triển ứng dụng tra cứu đặc điểm thổ nhưỡng tỉnh Bình Phước bằng ngôn ngữ Microsoft Visual c# Profesional 2010, có khả năng nhúng công cụ của MapBasic; tự động truy xuất bản đồ thổ nhưỡng; tra cứu, truy xuất, tổng hợp đặc điểm thổ nhưỡng tỉnh Bình Phước; quan sát cảnh quan khu vực tra cứu thổ nhưỡng trên ảnh vệ tỉnh của Google Earth./.