(CTTĐTBP) - Thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 01/02/2021 của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, địa phương thông minh và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Bình Phước năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”.
1. Mục tiêu, quy mô, yêu cầu
a) Mục tiêu
Với mục tiêu tổng quát là xây dựng được Hệ thống cơ sở dữ liệu về chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” nên có những mục tiêu cụ thể như sau:
Xây dựng được cơ sở dữ liệu bản đồ số về chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” với độ phân giải đến từng lô thửa đất (vườn điều) theo các cấp hành chính xã, huyện, tỉnh. Mỗi thửa đất gắn với các thông tin thuộc tính về chỉ dẫn địa lý.
Xây dựng được hệ thống bảng biểu cơ sở dữ liệu chỉ dẫn địa lý hạt Điều Bình Phước nhằm đáp ứng tốt các mục tiêu quản lý, quảng bá thương hiệu cũng như cung cấp thông tin cho người dùng.
Xây dựng được hệ thống văn bản từ Trung tương đến địa phương về chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” và các hồ sơ pháp lý, quản lý kèm theo.
Xây dựng thành công hệ thống phần mềm quản lý chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” ở dạng offline (ứng dụng mobile) và dạng online (website) để phục vụ công tác cập nhật, truy xuất, quản lý, quảng bá, phát triển thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “Hạt Điều Bình Phước”.
b) Quy mô, yêu cầu
Triển khai trên địa bàn toàn tỉnh Bình Phước đối với chỉ dẫn địa lý hạt Điều và đến với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin chỉ dẫn địa lý theo quy định và phải đảm bảo được những yêu cầu chung như: Cơ sở dữ liệu có khả năng tích hợp nhiều loại thông tin vào đối tượng quản lý (hồ sơ, tài liệu, hình ảnh, video, âm thanh…). Có khả năng truy cập mọi lúc, mọi nơi không cần kết nối Internet trên các thiết bị di động thông minh sử dụng hệ điều hành Android. Đa người dùng lãnh đạo, cán bộ kiểm lâm, cán bộ quản lý. Hệ thống cơ sở dữ liệu được xây dựng đảm bảo kết nối được với Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh.
2. Giải pháp kỹ thuật
a) Bản đồ chỉ dẫn địa lý hạt điều
Vì chỉ dẫn địa lý là phải đến với từng địa điểm sản xuất, từng vườn điều sản xuất cụ thể. Mỗi vườn điều sản xuất có rất nhiều thông tin liên quan đến chỉ dẫn địa lý. Việc quản lý chỉ dẫn địa lý cần được thực cả về vị trí thực tế, hình ảnh không gian trực quan và cả thông tin cụ thể. Do đó, cơ sở dữ liệu chính của chỉ dẫn địa lý hạt điều cần được xây dựng bằng giải pháp bản đồ số trong hệ thống thông tin địa ký GIS, cụ thể như sau:
(1) Về hệ thống thôn tin địa lý (GIS):
Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là một dạng hệ cơ sở dữ liệu, nhưng được thiết kế để làm việc chuyên nghiệp với các thông tin địa lý (thông tin thuộc tính được gắn với đối tượng, đối tượng phải xác định được vị trí cụ thể trên bề mặt trái đất thông qua hệ tọa độ), một tính chất mà các hệ cơ sở dữ liệu khác không có. Với đặc tính xác định vị trí cụ thể trên bề mặt trái đất là cơ sở khoa học để chồng xếp, truy vấn các lớp bản đồ và cập nhật thông tin cho đối tượng mà không bị nhầm lẫn với đối tượng khác.
GIS cũng có đầy đủ chức năng của một hệ dữ liệu cơ sở bình thường khác như: (1) phân tích thông tin, mô hình hóa, tổng hợp dữ liệu, tiên đoán xu hướng. Ngoài ra, còn có khả năng giao tiếp được với những cơ sở dữ liệu khác để trao đổi thông tin.
GIS có thể lưu trữ số liệu với số lượng lớn, câp nhật, truy xuất dễ dàng, có khả năng chia sẻ dữ liệu với các hệ quản trị dữ liệu khác. Đặc biệt, có khả năng chồng xếp các lớp bản đồ để tổng hợp và phân tích thông tin. GIS cũng có những hàm cơ bản để lập biểu thức và phân tích số liệu như một số hệ quản trị dữ liệu khác, nhưng trong GIS còn có thêm các từ khóa địa lý hỗ trợ để xây dựng các hàm, biểu thức truy vấn địa lý.
GIS là công cụ biên tập bản đồ khá mạnh, có thể cho ra nhiều dạng bản đồ khác nhau. Với những ưu điểm này nên GIS là công cụ đắc lực cho các nhà khoa học nghiên cứu về hệ thống canh tác, đánh giá đất đai, đánh giá khả năng thích nghi của các kiểu sử dụng đất, quản lý và xử lý các bản đồ giải thửa đất đai.
GIS có hai hợp phần dữ liệu gồm: dữ liệu không gian và dữ liệu thuộc tính thuộc hai dạng cấu trúc dữ liệu là dạng vector và dạng raster. Trong đó dạng raster được xác định là hệ thống các ô lưới thuận lợi cho phân tích các mô hình không gian với 4 nhóm hàm cơ bản gồm: hàm đơn, hàm hội tụ, hàm vùng, hàm toàn thể. Cấu trúc dạng vector và cấu trúc dạng raster đều có thể chuyển đổi qua lại lẫn nhau. Việc chuyển đổi từ dạng vector sang dạng raster khá đơn giản bằng cách lưới ô vuông được đặt trên bản đồ vector cơ sở và thông tin và thông tin ở dưới mỗi ô được gán vào ô.
Công nghệ GIS hiện có nhiều phần mềm ứng dụng phổ biến trên toàn cầu như: ArcGIS, Microstation, AutoCad, Mapinfo, Qgis… Nhưng mỗi phần mềm cũng có những đặc điểm mạnh riêng của nó. Với ArcGIS, điểm mạnh của nó là phân tích không gian và có bộ công cụ hỗ trợ rất lớn, nhưng biên tập bản đồ thì có những hạn chế. Với Microstation, công cụ biên tập đồ hoạ cho đối tượng là rất mạnh, nhưng phải có thêm phần mềm hỗ trợ nữa thì việc quản lý dữ liệu mới thuận lợi. Với Qgis, đây là phần mềm mã nguồn mở nó tập hợp ưu điểm của ArcGIS với Mapinfo nên tính năng khá mạnh, nhưng chưa phổ biến rộng.
(2) Về ưu điểm của Mapinfo: Mapinfo là một trong những phần mềm GIS được sử dụng phổ biến ở nước ta. Ngoài những chức năng quan trọng khác của một GIS, Mapinfor có ưu điểm rất lớn trong việc biên tập bản đồ và có hệ thống bảng dữ liệu thuộc tính dung lượng lớn, phổ dụng, dễ chuyển đổi và đặc biệt là rất thuận lợi để làm cơ sở dữ liệu đầu vào cho lập trình tự động hóa. Hay nói cách khác, bảng dữ liệu thuộc tính của Mapinfo rất thân thiện với các công cụ và ngôn ngữ lập trình như: C#, C++, VB, Java, python…
(3) Về tính phổ dụng và dữ liệu kế thừa: Mapinfo được xem là phần mềm GIS phổ dụng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Với sự phổ dụng trên phạm vi toàn quốc trong nhiều thập niên qua, nên cơ sở dữ liệu để kế thừa là khá phong phú, tiết kiệm được rất nhiều kinh phí và thời gian.
Từ những đặc điểm nêu trên cho thấy, giải pháp lựa chọn Mapinfo trong hệ thống thông tin địa lý để xây dựng bản đồ chỉ dẫn địa lý hạt điều là đảm bảo tính khoa học, tính khả thi, tính logic hệ thống, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và kinh phí cho địa phương.
b) Hệ thống bảng cơ sở dữ liệu và số hóa hệ thống văn bản
Các thông tin về chỉ dẫn địa lý cần được tổng hợp theo các chuyên đề để thuận lợi cho công tác quản lý, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Mỗi chuyên đề được thiết kế một dạng bảng dữ liệu riêng để cập nhật dữ liệu đầu ra của phần mềm.
Quản lý chỉ dẫn địa lý có hệ thống văn bản từ Trung ương tới địa phương khá phong phú và có tính logic với nhau. Do đó, cần được số hóa, mã hóa lưu trữ để khai thác sử dụng, cụ thể như sau:
Về mục đích và đối tượng sử dụng: Mọi tổ chức, cá nhân có quan tâm đến chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đều được khai thác, sử dụng thông qua website chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước theo đúng quy định hiện hành và quản lý văn bản.
Về công cụ tra cứu: Trên cả phần mềm nội bộ và website chỉ dẫn địa lý đều có chức năng tra cứu văn bản theo: (1) Thể loại (luật, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành… (2) Theo thời gian ban hành. (3) Theo thẩm quyền ban hành. (4) Theo nội dung cụ thể, nên rất thuận lợi cho việc tra cứu văn bản.
c) Xây dựng phần mềm và kết nối IOC
Với khối lượng thông tin phong phú, dung lượng lớn, đa dạng về loại thông tin, nội dung quản lý nhiều, nhu cầu cập nhật và công bố thông tin kịp thời. Do đó, phải có phần mềm nội bộ để cài đặt trên máy tính cá nhân, các ứng dụng di động và website để quản lý, cập nhật, phân tích và cung cấp thông tin đầu ra kịp thời. Phần mềm nội bộ và website được viết bằng những ngôn ngữ hiện đại, phổ biến như: C#, C++, VB, Java, python… với mã nguồn mở.
IOC là một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của tỉnh, được xây dựng mục tiêu hướng tới cập nhật, kết nối, liên thông và quản lý toàn diện thông tin trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, IOC tỉnh đã đi vào hoạt động có hiệu quả thiết thực và cũng đang từng bước phát triển về phạm vi và chiều sâu. Những nội dung chính mà IOC đã và đang tập trung hoàn chỉnh là hành chính công, y tế, giáo dục, kinh tế - xã hội, GIS, lắng nghe mạng xã hội, an toàn thông tin, phản ánh hiện trường, camera.
IOC là một hệ thống cơ sở dữ liệu rất lớn, phong phú về nội dung, cấu trúc có tính hệ thống, bảo đảm an toàn thông tin cao. Hệ thống này được xây dựng theo những nguyên tắc nhất định như: Xây dựng dữ liệu dùng chung từ dữ liệu của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, quản lý và xử lý thông tin phải được đảm bảo tuyệt đối về an toàn mạng, các chương trình tự động hóa được cập nhật phát triển thường xuyên. Do đó, hệ thống cơ sở dữ liệu địa lý hạt điều Bình Phước được kết nối với IOC tỉnh như sau:
Toàn bộ cơ sở dữ liệu chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước được xây dựng, cập nhật định kỳ tại Sở Khoa học và Công nghệ sẽ được chuyển sang IOC qua mail công vụ để IOC tỉnh cập nhật vào cơ sở dữ liệu và những cơ sở dữ liệu khác của tỉnh một cách chủ động.
Cũng toàn bộ cơ sở dữ liệu chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước được xây dựng, cập nhật định kỳ sẽ được chuyển về máy chủ của Sở Khoa học và Công nghệ đặt tại VNPT Bình Phước để phục vụ cho website chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước.
Tích hợp website chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước lên hệ thống điều hành của IOC tỉnh để khai thác, sử dụng.
Với những mục tiêu và giải pháp nêu trên, hy vọng sẽ xây dựng thành công Hệ thống cơ sở dữ liệu chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” nhằm góp phần phát triển ngành điều và hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2025 theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Tỉnh ủy Bình Phước về chuyển đổi số./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020). Thông tư 03/2020/TT-BTTTT ngày 24 tháng 02 năm 2020 Quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
2. Cục Sở hữu Trí tuệ (2018). Quyết định số 673/QĐ-SHTT ngày 13/3/2018 cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt Điều.
3. UBND tỉnh Bình Phước (2018). Quyết định số 2065/QĐ-UBND ngày 29/8/2018 ban hành Quy chế quản lý, sử dụng và kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều.