Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ hai - 24/04/2023 09:28
(CTTĐTBP) - Với dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, 4, người dân chỉ cần ngồi nhà hay bất cứ ở đâu có mạng internet đều có thể thực hiện mà không cần đến cơ quan công quyền. Hiện nay, trên Cổng DVC quốc gia đã có hơn 3.000 DVC trực tuyến, tuy nhiên trước mắt Chính phủ ưu tiên chọn 25 DVC thiết yếu để liên thông phục vụ người dân, từ đăng ký khai sinh, khai tử, hộ chiếu, đăng ký kết hôn đến nộp lệ phí vi phạm giao thông... Việc liên thông những thủ tục này đang mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
“Số hóa” giảm phiền hà
Theo thống kê, mỗi năm toàn tỉnh có hơn 200.000 hồ sơ khai sinh, gần 25.000 hồ sơ đăng ký khai tử và là nhóm thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều ngành như: y tế, tư pháp, công an, lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội. Thực tế đã có nhiều vướng mắc, chồng chéo xảy ra trong quá trình người dân đi giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Việc các nhóm DVC liên thông như hiện nay sẽ giải quyết tình trạng cát cứ, cục bộ, mỗi nơi một kiểu của các sở, ngành. Như vậy, người dân chỉ cần kê khai duy nhất 1 lần. Tất cả thông tin đã được so sánh, đối soát trên Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư và đều được thông báo tới người dân.
Vì tiện lợi nên người dân đánh giá rất cao việc liên thông DVC như hiện nay. Chị Phạm Thị Thùy Vy ở phường An Lộc, thị xã Bình Long cho biết: “Tôi vừa hoàn thành thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân ở nhà, các quy trình thực hiện đều được thông báo qua điện thoại. Tôi thấy quy trình giải quyết TTHC đã được rút gọn tối đa, tránh để người dân phải đi lại nhiều lần”.
Dữ liệu là tài nguyên, càng khai thác càng có giá trị lớn, việc sử dụng và chia sẻ dữ liệu quốc gia đang có những đóng góp ngày càng quan trọng trong xây dựng chính quyền số, xã hội số và nền kinh tế số. Không chỉ vậy, mỗi giao dịch được kết nối liên thông giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội, chi phí di chuyển, chứng thực giấy tờ... Bình Phước có 1.632 TTHC áp dụng DVC trực tuyến mức độ 3, 4. Các lĩnh vực giải quyết trên DVC trực tuyến đã tạo nhiều tiện ích, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC thuận tiện hơn. Ngày càng nhiều người dân nhận thấy những ưu điểm của DVC trực tuyến thay vì giao dịch trực tiếp. Điều này giúp tỷ lệ DVC được xử lý trực tuyến của tỉnh tăng lên 99%.
Thời đại 4.0 rồi, đã đến lúc người dân phải thay đổi thói quen trong việc thực hiện TTHC, thay vì mang cùng lúc các giấy tờ như: sổ hộ khẩu, căn cước công dân, giấy phép lái xe đi làm trực tiếp thì hãy nghĩ đến việc làm thủ tục trên internet thông qua điện thoại thông minh, máy tính. Vừa đơn giản lại tiết kiệm thời gian cho mỗi người cũng như các cơ quan nhà nước.
Anh NGUYỄN NHO PHƯỢNG, xã Minh Đức, huyện Hớn Quản
Đẩy mạnh kết nối dữ liệu chuyên ngành
Sử dụng DVC đã tạo môi trường hành chính liên thông, công khai, minh bạch. Hiện hệ thống CSDLQG, chuyên ngành tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tăng tính kết nối liên thông, chia sẻ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tình trạng khai báo, cung cấp thông tin nhiều lần.
Với DVC liên thông, người dân được đơn giản hóa TTHC. Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước sẽ giảm chi phí sao in hồ sơ, giảm thời gian luân chuyển hồ sơ; khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Điều này sẽ mang tới rất nhiều lợi ích cho tổ chức, cá nhân khi từ ngày 1-1-2023 đã chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy theo Luật Cư trú.
Bình Phước đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ 2 cơ sở dữ liệu chuyên ngành với CSDLQG về dân cư, gồm: Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội và giáo dục - đào tạo. Công an tỉnh đang phối hợp các sở, ngành tiếp tục rà soát, chuẩn hóa, tái cấu trúc từng bước thu thập, xây dựng 22 cơ sở dữ liệu còn lại đảm bảo theo lộ trình của Đề án số 06/CP từ nay đến năm 2025.
“Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan nhà nước trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tạo bộ dữ liệu dùng chung, tái sử dụng, bảo đảm liên thông, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC tại địa phương thì người dân cần chủ động đăng ký kích hoạt định danh điện tử mức độ 2; tích cực tham gia sử dụng các DVC trực tuyến bằng nhiều hình thức và tập trung vào địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nâng cao hiệu quả việc cung cấp các DVC trực tuyến theo hướng tiện ích, tiện lợi, công dân không phải đi lại nhiều lần” - Thượng tá Hồ Ngọc Chiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh nhấn mạnh./.