(CTTĐTBP) - Bảo tàng tỉnh đang trưng bày nhiều hiện vật quý, đa dạng, không gian trưng bày khoa học. Hằng năm, tại đây đón hàng chục ngàn lượt khách tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử - văn hóa của tỉnh. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát khiến Bảo tàng tỉnh phải đóng cửa. Việc tìm ra hướng đi phù hợp với tình hình mới bằng cách áp dụng các nền tảng công nghệ trong trưng bày, đưa tư liệu, hiện vật đến gần với người xem giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn với những tài liệu, hiện vật quý mà không cần trực tiếp đến bảo tàng.
Cách làm này không chỉ hữu hiệu trong thời gian giãn cách xã hội mà được xem như giải pháp lâu dài trong phát triển văn hóa thời công nghệ số.
Tham quan bảo tàng online
Bảo tàng tỉnh đang trưng bày nhiều hiện vật quý, đa dạng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh.
Bảo tàng tỉnh đang quản lý gần 15.000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu có giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương và quốc gia. Không gian trưng bày chia thành 2 khu vực gồm khu vực Bình Phước - tiềm năng, trưng bày khái quát về tài nguyên, khoáng sản, vùng đất, di tích lịch sử văn hóa Bình Phước, quá trình hình thành vùng đất Bình Phước từ thời tiền sử đến nay. Khu vực trưng bày về lịch sử kháng chiến và văn hóa tộc người ở Bình Phước đang trưng bày khoảng 1.000 hiện vật, hình ảnh và tài liệu quan trọng. Qua đó, không chỉ đưa di sản văn hóa đến với công chúng mà còn góp phần phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa đang được bảo tàng lưu giữ, bảo quản.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động của bảo tàng phải tạm dừng. Để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng, Bảo tàng tỉnh đã chủ động ứng dụng nền tảng công nghệ trong trưng bày, giới thiệu, số hóa các hiện vật trưng bày, số hóa di tích đã được xếp hạng làm tăng khả năng kết nối, tương tác cũng như cung cấp thông tin về kho tư liệu, hiện vật quý đang lưu giữ tại đây.
“Bên cạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trưng bày, quảng bá giá trị hiện vật, công tác quản lý và bảo quản hiện vật luôn được Bảo tàng tỉnh coi trọng. Trước đây, việc quản lý, theo dõi hiện vật chỉ sử dụng hình thức viết tay lý lịch hiện vật... Đến nay, toàn bộ thông tin về tài liệu hiện vật của Bảo tàng tỉnh được cập nhật vào phần mềm quản lý thông tin do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp. Đồng thời, tiến hành cập nhật toàn bộ nội dung thông tin hiện vật từ sổ đăng ký vào phần mềm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp việc quản lý hiện vật trong bảo tàng được khoa học và chính xác hơn” - chị Bùi Kim Thư, Trưởng phòng Nghiệp vụ bảo tàng, Bảo tàng tỉnh, chia sẻ.
Việc ứng dụng công nghệ không còn là giải pháp tạm thời mà là cầu nối hữu hiệu để đưa các di sản đang được trưng bày tại bảo tàng, di tích đến gần hơn với công chúng. Vì vậy, đổi mới hoạt động bảo tàng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ càng trở nên cần thiết.
Xu thế thụ hưởng văn hóa mới
Để du khách có đa dạng cách tiếp cận trên các nền tảng công nghệ, Bảo tàng tỉnh đang tăng cường đăng hình ảnh, sản xuất các video clip ngắn tái hiện các câu chuyện về văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, các di tích lịch sử, giới thiệu hiện vật trưng bày tại bảo tàng, có thuyết minh sinh động, gần gũi và đăng tải trên các trang fanpage, website, các nền tảng mạng xã hội, thu hút khoảng 20 ngàn lượt xem. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh đang kết nối với Bộ Khoa học và Công nghệ chạy số hóa 40 di tích lịch sử của tỉnh trên phần mềm Heritage go. Chính nhờ sự linh động trong quảng bá mà những di sản, hiện vật của tỉnh được lan tỏa, phát huy giá trị.
Quá trình lựa chọn hiện vật đưa vào bộ sưu tập và phân loại, bổ sung hồ sơ hiện vật sẽ góp phần nâng cao chất lượng khoa học của các hoạt động nghiệp vụ. Ảnh: Bảo tàng tỉnh.
Ông Phạm Hữu Hiến, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Để thuận tiện cho khách tham quan tìm hiểu thông tin, bảo tàng cũng đang lắp đặt 9 cây thư mục tại các phòng trưng bày, các cây này tích hợp nhiều thông tin, hình ảnh, khách tham quan dễ dàng tra cứu hiện vật, di tích lịch sử văn hóa và con người Bình Phước. Đặc biệt, với 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: “Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng tỉnh Bình Phước”, “Lễ hội Bà Rá, thị xã Phước Long”, “Lễ hội Dua Tpeng (Phá bàu) của người Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh”, “Lễ hội Cầu bông của người Kinh ở Bình Phước” đều được cập nhật lên hệ thống để du khách ở khắp mọi nơi biết đến.
Rõ ràng, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực trưng bày bảo tàng đã là xu thế, cần thiết được đẩy nhanh ở nước ta hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Đây cũng là cách cụ thể hóa chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Khi bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều khách tham quan bằng nhiều hình thức khác nhau nghĩa là đã truyền tải thông điệp về lịch sử, văn hóa nhiều hơn đến công chúng, từ đó nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cũng như củng cố những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc.
Dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen sinh hoạt, thưởng thức nghệ thuật. Không chỉ vậy, sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhất là vai trò của mạng xã hội đặt ra thách thức không nhỏ cho công nghiệp văn hóa nói chung, phát triển di sản văn hóa nói riêng. Bảo tàng cũng là đơn vị cần thiết đi tìm lời giải cho thách thức đó. Thay đổi các hoạt động của bảo tàng theo hướng số hóa góp phần tạo ra những sản phẩm đa dạng, mang lại trải nghiệm khác biệt và thu hút khách du lịch. Việc tích hợp thông tin trên nền tảng công nghệ giúp việc quản lý được xuyên suốt từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tới địa phương.
Ông ĐỖ MINH TRUNG,
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
|