Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, văn học nghệ thuật

Thứ sáu - 14/01/2022 16:13
(CTTĐTBP) - Hiện nay, để hòa vào dòng chảy phát triển công nghệ thông tin (CNTT) như vũ bão, đòi hỏi cả xã hội phải thay đổi, từng tổ chức thay đổi và mỗi cá nhân cũng phải thay đổi phương thức làm việc, sinh hoạt “nhanh, nhạy, chuyên nghiệp, hiệu quả”. Sự thay đổi đó đặt ra không ít thách thức và cơ hội phát triển, trong đó có hoạt động báo chí, văn học nghệ thuật.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc (ngày 24/12/2021), nhiều tham luận đề cập đến việc ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) với báo chí. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Mục đích quy hoạch báo chí là để phát triển và xây dựng nền báo chí, truyền thông hiện đại, nhân văn, giàu bản sắc. Nhà báo Lê Quang Minh - Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Báo chí CĐS hoặc chết”. Trước yêu cầu thực tiễn, người làm báo, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ… không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải giỏi ứng dụng CNTT.
 
VÌ SAO PHẢI CHUYỂN ĐỔI SỐ?

Đơn giản là CĐS nhằm “phù hợp và tiện ích” trong phục vụ đời sống con người, xa hơn là giải quyết các chiến lược thuộc tầm vĩ mô, quốc gia, ngành/lĩnh vực, tập đoàn kinh doanh... bằng việc cạnh tranh trên nền tảng số. Nhận diện về bối cảnh hiện nay, theo Appota Corporation - nhà phát triển và cung cấp các nền tảng sáng tạo cho ngành giải trí kỹ thuật số của Việt Nam, cả nước có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, tương đương với tỷ lệ người sử dụng internet. Trong số này, có 64% thuê bao đã kết nối 3G, 4G và 95% thiết bị sử dụng internet. Mỗi người dùng trung bình mất 3 giờ 18 phút mỗi ngày để sử dụng internet qua di động. Sự tương tác này cảnh báo cho loại hình báo giấy và các tác phẩm văn học, nghệ thuật: Nếu không CĐS và thông qua kênh số hóa chính thống, phần mềm số hóa tự động, hay mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá thì tất yếu sẽ tụt hậu.
 
Chuyen doi so (2)

Báo in, các ấn phẩm văn học nghệ thuật, sinh hoạt đời thường đang bị nhiều trang mạng xã hội: Zalo, Facebook, Twitter, Youtube, Podcast… chi phối. Các khung giờ xem cũng thay đổi tùy theo thị hiếu, đặc thù của đối tượng ngành nghề và độ tuổi. Trước đây, cứ đến 19 giờ, người dân có thói quen xem thời sự trong ngày, hay cuối tuần rảnh rỗi đọc báo thư giãn nhưng nay thói quen đã thay đổi. Chúng ta có thể khai thác thông tin mọi lúc, mọi nơi thông qua báo mạng, các cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Người đọc có thể tiếp cận rất nhiều thông tin, giải trí trong ngày bằng các kênh thông tin tiện ích nhất. Để di chuyển một đoạn đường dài trên các phương tiện công cộng, hoặc xe gia đình thì chúng ta có thể nghe radio, nhạc, truyện, các tác phẩm văn học nghệ thuật… trên các trang mạng xã hội, kênh giải trí số với nhiều sự lựa chọn thư giãn theo sở thích và có sức lan tỏa rất cao.

THÁCH THỨC KHI CHUYỂN ĐỔI SỐ

Thách thức lớn nhất là điều kiện tài chính để đầu tư trang thiết bị. Nếu làm báo thì cần phải có máy quay, phòng studio, máy dựng, các thiết bị bổ trợ... Trong điều kiện tài chính hạn chế, mà đầu tư cùng một lúc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vấn đề thứ hai là con người, không chỉ chuyên nghiệp trong chuyên môn mà đòi hỏi chuyên nghiệp cả trong việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng CNTT để sản xuất hoàn thiện tác phẩm đăng trên các nền tảng kỹ thuật số. Có chuyện một số nhà văn xưa nay chỉ “khai bút” chứ chưa “khai bàn phím” bao giờ, nên cũng cần thời gian nghiên cứu làm quen máy tính, chưa nói là thị lực cũng kém, thính lực cũng yếu. Theo cách truyền thống, họa sĩ cầm cọ vẽ trực tiếp, chứ dùng phần mềm trên máy tính bằng bút vẽ cũng khó. Nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng vậy. Đời sống trên mạng cực kỳ phong phú nhưng khai thác và ứng dụng sao cho hiệu quả; sự chọn lọc phải tỉnh táo, nhất là vấn đề trao đổi thông tin “thư đi, tin lại”, tương tác của mạng xã hội tồn tại song hành hai bức tranh “thật và ảo, ảo và thật”.

Một vấn đề khó khăn nữa, đó là việc bảo mật thông tin, đánh cắp bản quyền, tái sử dụng nhiều lần của tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật. Ngoài ra, công tác bảo vệ an toàn an ninh mạng cho các hoạt động trên trang báo điện tử, các cổng/trang thông tin điện tử, các nền tảng số… cũng đòi hỏi mỗi cơ quan, tổ chức có chuyên gia về CNTT phụ trách, đòi hỏi về chính sách tiền lương, đãi ngộ cho đội ngũ nhân sự này.

CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC TRUYỀN TẢI

CNTT với sự phát triển mạnh mẽ của Internet đã mang đến cho chúng ta một thế giới phẳng, nhanh, nhạy. Hiện nay, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã được cung cấp dịch vụ Internet với băng thông rộng, hệ thống wifi phổ cập. Máy tính kết nối Internet tại các cơ quan, đơn vị nhà nước đã thực hiện đạt 100%. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến năm 2025, mạng di động 5G sẽ được phủ sóng ở khu trung tâm nhiều địa phương, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 18% GRDP của tỉnh. Đó là cơ hội để Tạp chí Văn nghệ Bình Phước tiếp cận đến từng người dân, bạn đọc.

Tạp chí Văn nghệ Bình Phước, một cơ quan báo chí mang đậm dấu ấn văn học nghệ thuật nên cũng có những đặc thù riêng và sự tác động chung của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ. Nhằm góp phần đáp ứng các yêu cầu cuộc sống hiện đại trong sự phát triển xã hội số hiện nay, Tạp chí Văn nghệ Bình Phước đã xây dựng Đề án hoạt động tạp chí điện tử; từng bước cải cách phương thức hoạt động, dễ quảng bá, giới thiệu tác phẩm báo chí và văn học nghệ thuật vào cuộc sống.

Nhiệm vụ đặt ra trước mắt cho nội dung là bám sát Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn học nghệ thuật giai đoạn mới, tiến tới kỷ niệm 90 năm thành lập Nước, 100 năm thành lập Đảng; xây dựng ngân hàng dữ liệu số về tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam giai đoạn 2022-2030; chương trình xây dựng không gian sáng tạo và CĐS về tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam… Từ đó, xây dựng các số tạp chí chuyên đề khai thác sâu từng mảng nghệ thuật và phù hợp với nhiệm vụ theo tôn chỉ, mục đích của Tạp chí.

CĐS vừa là cơ hội vừa là động lực khơi dậy khát vọng, mở ra không gian phát triển mới ngoài những giá trị truyền thống vốn có. Không gian phát triển mới thì cần những quy định mới, kỹ năng mới, cách thức hoạt động mới. Không gian số thì cần quy định số, văn hóa số, ứng xử số... Do đó, tự mỗi người trong cơ quan báo chí, các văn nghệ sĩ phải trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về CNTT, hiểu biết về CĐS và sử dụng, khai thác các phần mềm, ứng dụng số phục vụ cho lĩnh vực ngành nghề, hoạt động sáng tác của mình./.
Phạm Hiến - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,752
  • Hôm nay470,908
  • Tháng hiện tại18,293,244
  • Tổng lượt truy cập478,185,931
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây