Cổng Dịch vụ công Quốc gia - giá trị đã được chứng minh

Thứ tư - 20/05/2020 15:12
(CTTĐTBP) - Để tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia, sáng 19/5, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”.
dvc

Đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ và ngài Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

“Kênh” hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, để kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19, Chính phủ đã thực hiện chuyển đổi mạnh phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công như: Tăng cường làm việc gửi - nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia; chuyển dần từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử thông qua Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, báo cáo của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công cấp bộ cấp tỉnh phát huy hiệu quả.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử,  lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt các loại hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số.

Do đó có thể thấy, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và Cổng Dịch vụ công Quốc gia là “kênh” hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính. Việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ, ngành, địa phương.

maitiendung

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Lan tỏa những thông tin hữu ích

Người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể theo dõi được quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng có thể đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết.

Được khai trương ngày 9/12/2019, từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp tại thời điểm khai trương, đến nay trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 406 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 235 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp.

Qua tài khoản Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các Bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan. Cùng việc thúc đẩy thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, ưu điểm rất lớn của việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia là tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch. Quá trình giải quyết được thông tin tới các doanh nghiệp, đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, thông qua Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp hôm nay, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cùng các đối tác Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp và các cơ quan liên quan mong muốn lan tỏa được những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp. Đồng thời, hội nghị cũng là dịp ghi nhận ý kiến thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp để cải thiện quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến và vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia ngày càng hiệu quả hơn.

wb

Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione

Giá trị đã được chứng minh

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione chia sẻ: Chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, khiến quá trình phát triển kinh tế và xã hội trên toàn cầu cũng như Việt Nam bị gián đoạn nghiêm trọng. Để ứng phó và đẩy lùi đại dịch, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính phủ và khu vực tư nhân.

Việt Nam đã phòng chống đại dịch COVID-19 quyết liệt và hiệu quả. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch đã được công nhận và ngợi ca trên toàn cầu. Nhưng bài học kinh nghiệm nổi bật nhất có lẽ là yêu cầu chuyển đổi kỹ thuật số và đáp ứng nhanh các nhu cầu dịch vụ công đặt ra đối với các chính phủ.

Theo đại diện WB: Giá trị của Cổng dịch vụ công quốc gia đã được chứng minh trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 vừa rồi. Với các biện pháp giãn cách xã hội được đưa ra nhằm ngăn chặn lây nhiễm, người sử dụng dịch vụ và cán bộ cơ quan nhà nước có thể truy cập và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu bằng phương thức trực tuyến, để bảo vệ người dân, doanh nghiệp và cán bộ cơ quan nhà nước. 

“Chúng ta đặc biệt vui mừng khi nghe về sự phát triển của Cổng dịch vụ công quốc gia kể từ thời điểm khai trương cách đây 5 tháng, với hơn 35 triệu lượt truy cập, hàng trăm dịch vụ được cung cấp cho người dân và doanh nghiệp thông qua cổng thông tin cũng như lượng thông tin và phản hồi được khởi tạo” Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione bày tỏ. 

Theo đại diện WB, Chính phủ đã huy động nhiều biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong đại dịch, như được minh chứng rõ ràng tại Hội nghị quốc gia về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong COVID-19 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào ngày 9/5. Hội nghị hôm nay cho thấy một nỗ lực khác của Chính phủ để tiếp tục thúc đẩy cải cách chính phủ điện tử cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Hãy tham gia Cổng dịch vụ công ngay hôm nay

Đại diện WB cũng đề xuất ba biện pháp hành động, một cho cộng đồng doanh nghiệp và hai cho Chính phủ để tăng cường tác động của các chính sách đổi mới kỹ thuật số trong thời gian sắp tới.

Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp cần đẩy mạnh quá trình số hóa. COVID-19 cũng có thể coi là một hồi chuông nhắc nhở đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Đảm bảo kinh doanh liên tục trong thời đại hiện nay gần như là bất khả thi nếu không có công nghệ phù hợp, trong đó các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến chịu ảnh hưởng vì sự gián đoạn ít nghiêm trọng hơn so với các doanh nghiệp kinh doanh thông thường như chúng ta đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng.

Một nghiên cứu được thực hiện tại Singapore năm 2019 cho thấy việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, trí tuệ nhân tạo/ phân tích dữ liệu lớn có thể làm tăng năng suất và giá trị gia tăng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lần lượt là 26% và 17%.

Từ góc độ kinh tế vĩ mô, việc số hóa doanh nghiệp cũng có thể giúp tăng cường hoạt động kinh tế của một quốc gia. Theo ước tính, việc số hóa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN có thể tạo ra thêm 1,1 nghìn tỷ đô la giá trị GDP trên toàn khu vực vào năm 2025.

“Đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn có thể bắt đầu quá trình số hóa bằng cách sử dụng các dịch vụ được cung cấp qua Cổng dịch vụ công quốc gia từ hôm nay” – Giám đốc WB nói.

Tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ

Về phía Chính phủ, đại diện WB đề xuất, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến nên bắt đầu từ việc đơn giản hóa các quy trình kinh doanh. Bởi cho dù có bao nhiêu dịch vụ được cung cấp trực tuyến chăng nữa, mà nếu những dịch vụ đó không giúp làm giảm thời gian và chi phí giao dịch cho doanh nghiệp thì cũng không mang lại nhiều ý nghĩa đối với họ.

Do đó, điều quan trọng là Chính phủ hiểu rõ những lĩnh vực làm phát sinh nhiều thời gian và chi phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ để tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ.

Dữ liệu và thông tin được khởi tạo và thu thập thông qua Cổng thông tin, chẳng hạn như chi tiết giao dịch trực tuyến và phản hồi, sẽ là điểm khởi đầu tuyệt vời để Chính phủ phân tích các lĩnh vực còn vướng mắc và giải pháp để gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp trong quy trình hiện tại.

Các cơ sở dữ liệu khác, chẳng hạn như đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, giấy phép xây dựng, nộp thuế cũng sẽ là những điểm định hướng hữu ích nếu được phân tích nhằm tối ưu hóa dịch vụ công trực tuyến. 

Đại diện WB cho rằng, Chính phủ có thể đóng vai trò là nền tảng khởi động để hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển kỹ thuật số nhanh chóng hơn.

Được khai trương từ ngày 9/12/2019, đến nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có những kết quả tích cực, thể hiện được mục tiêu Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp, cụ thể đã có trên 140.000 tài khoản đăng ký, trên 35 triệu lượt truy cập, trên 7,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 68.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Hệ thống cũng tiếp nhận hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; đã tích hợp được 395 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong đó có 232 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau 6 tháng triển khai Cổng Dịch vụ công Quốc gia, từ 8 nhóm dịch vụ ban đầu, đến nay đã tăng lên 389 dịch vụ công trực tuyến (160 cho công dân, 229 cho doanh nghiệp); cung cấp chức năng thanh toán trực truyến để người dân, doanh nghiệp nộp các nghĩa vụ tài chính liên quan, nhiều dịch vụ công được doanh nghiệp quan tâm thực hiện như thông báo hoạt động khuyến mại, cấp điện, nộp thuế, phí, lệ phí, kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế...

Một số nhóm thủ tục hành chính có tần suất thực hiện lớn đã được tích hợp lên cổng và phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp như: Nhóm thủ tục về đăng kí/thông báo khuyến mãi của doanh nghiệp; nhóm thủ tục xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông; một số thủ tục mảng bảo hiểm, thuế…và nhiều thủ tục cụ thể khác. Trường hợp doanh nghiệp cần thực hiện 1 thủ tục cùng lúc ở nhiều địa phương (ví dụ thủ tục thông báo khuyến mãi), thay vì phải làm với từng nơi, doanh nghiệp có thể gửi một lần cho nhiều địa phương thông qua hệ thống này.

Bắt đầu từ ngày 12/5, Cổng Dịch vụ công Quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, 6 dịch vụ công được cung cấp là: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; Kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,963
  • Hôm nay395,493
  • Tháng hiện tại9,781,237
  • Tổng lượt truy cập455,176,359
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây