Theo đó, Kế hoạch này thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp được xây dựng căn cứ quy định tại Điều 45 Luật Quy hoạch, gồm các nội dung:
Một số nhiệm vụ trọng tâm
Tập trung rà soát, điều chỉnh ranh giới, phân định ranh giới 03 loại rừng; rà soát điều chỉnh xác lập các khu rừng đặc dụng, phòng hộ phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp; rà soát đánh giá tổng thể việc thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn thực hiện quy hoạch.
Tổ chức điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng và xây dựng cơ sở dữ liệu; triển khai giao rừng cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
Xây dựng, triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững, tăng trưởng xanh.
Tập trung phát triển rừng trồng cung cấp nguyên liệu tập trung cho chế biến; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng lâm nghiệp. Đồng thời, xây dựng và phát triển các khu công nghiệp chế biến lâm sản công nghệ cao, các cụm công nghiệp ngành gỗ và chế biến lâm sản; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam.
Xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lâm nghiệp quốc gia và chương trình chuyển đổi số trong lâm nghiệp.
Triển khai các chương trình, đề án, dự án theo quy hoạch
Các chương trình, đề án, dự án sử dụng vốn đầu tư công được xác định theo nguyên tắc: tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan; sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Ưu tiên vốn đầu tư công để tập trung đầu tư 16 lĩnh vực và ưu tiên hỗ trợ đầu tư 09 lĩnh vực theo điểm a, điểm b khoản 7 Điều 1 Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, khuyến khích, huy động các nguồn vốn hợp pháp tham gia đầu tư quản lý bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp. Thu hút nguồn lực xã hội theo các hình thức như: tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong các hoạt động của ngành lâm nghiệp, như: công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng, phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản; hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cơ chế, chính sách thực hiện quy hoạch
Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách lâm nghiệp trên cơ sở Luật Lâm nghiệp năm 2017, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; rà soát, xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các thông tư, định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Kế hoạch sử dụng đất
Thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 06/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 và chỉ tiêu quy hoạch đất lâm nghiệp tại Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Căn cứ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy định pháp luật liên quan, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật trong phạm vi của địa phương; quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch đảm bảo hiệu quả.
Nguồn lực thực hiện quy hoạch
Huy động, bố trí vốn ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật; lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án khác; vốn tín dụng từ tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài; thu từ dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng; đầu tư, đóng góp, ủng hộ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân; nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các dự án, hoạt động ưu tiên trong Quy hoạch lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 895/QĐ-TTg.
Trong quá trình xây dựng, triển khai các dự án cụ thể, bao gồm cả các dự án chưa được xác định trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất dự án, phân kỳ đầu tư các công trình, dự án phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, yêu cầu thực tiễn và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
Phân công trách nhiệm
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các nội dung được giao tại điểm 6, Điều 2 Quyết định số 895/QĐ-TTg, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch; cân đối kinh phí đầu tư và kinh phí hoạt động thường xuyên, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực để phát triển trồng rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Tổ chức phân vùng chi tiết rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh để tổ chức sản xuất, quản lý đảm bảo phù hợp với Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia được duyệt và các quy định hiện hành. Xây dựng bản đồ quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và quy hoạch tỉnh.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp; tổ chức hội nghị, hội thảo sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nội dung Quy hoạch lâm nghiệp, Kế hoạch trên địa bàn tỉnh; giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Tổ chức triển khai nhiệm vụ trọng tâm thực hiện quy hoạch: (i) điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; (ii) phân định ranh giới rừng, đóng mốc phân định ranh giới rừng; (iii) giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định; (iv) lập hồ sơ quản lý rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; (v) xử lý tranh chấp, lấn chiếm đất đai có nguồn gốc từ lâm trường, công ty lâm nghiệp trên địa bàn; (vi) tổ chức phân vùng chi tiết rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh để tổ chức sản xuất, quản lý đảm bảo phù hợp với Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia được duyệt và các quy định hiện hành
Tổ chức triển khai rà soát, xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; cập nhật nội dung các quy hoạch, đề án, dự án liên quan đang thực hiện trên địa bàn bảo đảm tính thống nhất đồng bộ giữa các Quy hoạch có liên quan làm cơ sở để triển khai thực hiện; cập nhật nội dung các quy hoạch, đề án, dự án liên quan đang thực hiện trên địa bàn bảo đảm tuân thủ các định hướng về phát triển lâm nghiệp tại địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu./.